Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lỗ hổng” chết người…

Tuấn Lương| 30/01/2015 07:07

(HNM) - Vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra ngày 24-1 trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa khiến cho 10 người chết và 4 người bị thương đã bộc lộ rõ thêm


Hơn 120.000 xe hết niên hạn sử dụng

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN), tính đến hết năm 2014, cả nước có hơn 120.000 xe đã hết NHSD, trong đó có trên 80.000 xe chở hàng và khoảng 40.000 xe chở người. Riêng năm 2014 có 16.488 xe cơ giới các loại hết NHSD. Ông Ngô Hồng Hệ - Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục ĐKVN) cho biết: Theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA, các xe hết NHSD phải làm thủ tục thu hồi biển số và giấy chứng nhận đăng ký tại cơ quan CSGT địa phương. Vào kỳ đăng kiểm cuối cùng trước khi xe ô tô hết NHSD, xe sẽ được dán tem đăng kiểm có vạch chéo màu đỏ. Đồng thời, giấy chứng nhận kiểm định cũng được đóng dấu để ngành chức năng dễ phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm. Đây cũng được coi là dấu hiệu để khi mua bán, chuyển nhượng xe, người mua dễ nhận biết xe sắp hết hạn tham gia lưu thông trên đường. Các xe sắp hết niên hạn đều được cập nhật trên hệ thống quản lý kiểm định để giám sát chặt chẽ, có danh sách cụ thể gửi đến các cơ quan liên quan cùng phối hợp theo dõi, xử lý.

Đăng kiểm định kỳ cho xe cơ giới. Ảnh: Minh Tuấn



Sau khi nhận được danh sách từ cơ quan đăng kiểm, cơ quan công an (CSGT) sẽ làm thủ tục thu hồi giấy tờ đăng ký xe và biển số xe. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại không ít địa phương, dù các cơ quan chức năng đã gửi thông báo đến các chủ phương tiện sắp hết NHSD, nhưng số lượng người đến làm thủ tục hủy xe và nộp lại giấy đăng ký rất ít.

Quy trình là vậy, song đại diện Cục ĐKVN thừa nhận đang có tình trạng các chủ xe "trốn" kỳ kiểm định cuối. Đó là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng xe hết NHSD, quá hạn kiểm định vẫn hoạt động chui, trốn tránh cơ quan kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuyến đường Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, ở những tuyến đường mà lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng, chưa kiểm tra thường xuyên như phản ánh của người dân về một số xe chở mía thời vụ tại các tỉnh Gia Lai, Thanh Hóa…

Phải xử lý nghiêm chủ xe

Trước tình trạng không ít ô tô hết NHSD vẫn ngang nhiên hoạt động và một số xe có tên trong các vụ TNGT (điển hình như vụ TNGT tại Thanh Hóa ngày 24-1), ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, bất cập lớn nhất hiện nay là thông tin. Hiện, thông tin mới chỉ dừng ở các cơ quan quản lý cấp cao mà chưa đến được cấp trực tiếp hằng ngày giám sát hoạt động của các phương tiện như công an cấp xã, cấp huyện… Nếu chỉ tập trung kiểm tra, xử phạt trên đường rồi trông chờ vào ý thức tự giác của người dân thì kết quả sẽ không cao. Do đó, cần có hệ thống cơ sở dữ liệu bảo đảm chia sẻ và kết nối đến cấp cơ sở để lực lượng công an xã, cảnh sát khu vực có thể biết và đến tận nhà chủ phương tiện nhắc nhở, đôn đốc. Bên cạnh đó cần tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng xã hội để tất cả cùng đấu tranh nhằm loại bỏ các phương tiện này ra khỏi cộng đồng.

Một số ý kiến nhận định, việc các xe hết NHSD vẫn ngang nhiên tồn tại còn là do chế tài xử phạt hiện quá nhẹ. Theo quy định hiện hành, đối với các loại ô tô đã hết NHSD mà vẫn cho lưu thông trên đường thì áp dụng mức xử phạt 3-5 triệu đồng kèm theo hình thức xử lý bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 60 ngày. Mức phạt này là "đánh" vào lái xe chứ không phải vào chủ xe.

Nhận thức rõ sự bất cập này, vừa qua Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan sớm nghiên cứu, cập nhật chế tài xử phạt chủ xe vào trong các quy định của luật. "Lâu nay xe hết NHSD tồn tại là do không xử phạt chủ xe. Tại sao không xử chủ xe mà toàn phạt lái xe? Phải có quy định nếu xe quá niên hạn vẫn đưa vào sử dụng thì phải bỏ tù chủ xe!" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ông Ngô Hồng Hệ - Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục ĐKVN) đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Thanh tra Bộ, các Sở GTVT tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc; Cục ĐKVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm tăng cường phối hợp với Thanh tra giao thông, CSGT địa phương kiểm tra đột xuất, có trọng điểm nhằm xử lý nghiêm các chủ xe, lái xe đưa xe hết NHSD tham gia giao thông. Sau khi CSGT thu hồi biển số và giấy đăng ký xe, yêu cầu giao trách nhiệm cho cảnh sát khu vực, CSGT của quận, huyện có trách nhiệm giám sát việc hủy xe (bán, phá dỡ) để không thể đưa xe ra hoạt động.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lỗ hổng” chết người…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.