Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát tải trọng ngay tại nguồn hàng: Sẽ áp dụng chế tài mạnh

Tuấn Khải| 29/05/2015 06:41

(HNM) - Bộ GTVT đang rất quyết tâm loại bỏ xe quá tải ngay trong năm 2015, nhưng thực tế triển khai cho thấy nhiều cảng biển chưa thực sự vào cuộc.

Kiểm soát xe quá tải ngay tại nguồn hàng, đặc biệt là tại các cảng biển là việc làm rất cần thiết.


Việc kiểm soát tải trọng phương tiện đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển nhằm bảo vệ hạ tầng giao thông, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải, giảm giá thành. Riêng với cảng biển, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, đây là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm việc kiểm soát tải trọng phương tiện, bởi tổng lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước lên đến 817 triệu tấn/năm, trong đó khối lượng vận chuyển qua đường biển lên đến 370 triệu tấn. Trước khi thông qua cảng biển, hàng hóa đều được vận chuyển bằng đường bộ. Vì thế, nếu kiểm soát tốt tải trọng tại cảng biển là đã có thể kiểm soát gần một nửa số hàng hóa vận chuyển trên toàn quốc. "Chúng tôi đã ký cam kết với các DN để kiểm soát hàng hóa trước khi đến và đi khỏi cảng biển để xếp lên tàu. Đánh giá chung cho thấy, thời gian qua các DN lớn thực hiện khá nghiêm túc, nhưng còn một số DN tư nhân, DN cổ phần nhà nước không chi phối thực hiện chưa tốt. Vì thế, Bộ đã kiểm tra, xử lý một loạt DN vi phạm và bất kỳ cảng nào không thực hiện tốt kiểm soát xe quá tải đều sẽ bị xử lý nghiêm" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh.

Trong khi các cảng biển lớn rà soát quy trình, ban hành quy định để siết chặt tải trọng thì không ít ý kiến cho rằng, tại một số địa phương, một số cảng biển (nhất là các cảng nhỏ) vẫn chưa thực sự vào cuộc, dẫn tới tình trạng vẫn "lọt" xe quá tải. Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, hiện các cấp chính quyền địa phương vẫn thờ ơ trước vấn đề này. Cùng với đó, các công ty vận tải tư nhân, chủ hàng chưa tuân thủ đúng quy định. Có một thực tế là họ nhận hàng đúng tải, nhưng ra khỏi cảng đã xếp chồng hàng lên thì chúng ta không kiểm soát được. Đây đó vẫn còn tình trạng vì lợi ích cục bộ mà e ngại nếu cảng mình làm chặt thì xe sẽ vào cảng khác, nhưng nếu không quyết liệt thì không xử lý được tận gốc của vấn đề.

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vừa qua sau khi có phản ánh từ dư luận về tình trạng để lọt xe quá tải tại một số cảng biển, gồm: Cửa Lò (Nghệ An), Hoàng Diệu (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh). Sau khi kiểm tra, có kết luận sai phạm, Tổng công ty đã tạm đình chỉ chức vụ đối với các cá nhân, cán bộ có liên quan để làm rõ trách nhiệm. Việc kiểm soát tải trọng tới đây sẽ tiếp tục được Tổng công ty chỉ đạo thực hiện nghiêm tại các đơn vị trực thuộc.

Trước thực tế trên, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, công tác kiểm soát tải trọng hàng hóa còn nhiều phức tạp. Theo quy định khi xe quá tải vào cảng thì các cảng có nhiệm vụ đề nghị lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, đã có đơn vị không cho thanh tra vào trong cảng để thực hiện việc kiểm soát tải trọng, khiến khâu xử lý không kịp thời.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, để năm 2015 xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan, đơn vị, DN và người dân; ràng buộc trách nhiệm chủ hàng, xây dựng quy chế phối hợp giữa cảng biển và Thanh tra GTVT, rút ngắn thủ tục hành chính... Bộ cũng đã đề nghị các địa phương theo dõi sát sao các cảng vi phạm, nếu tái phạm có thể cân nhắc việc đóng cửa cảng theo đúng cam kết đã ký. Tới đây, Bộ sẽ có những chế tài mạnh hơn đối với các chủ hàng. Với các DN nhà nước, hay Nhà nước giữ cổ phần chi phối, Bộ GTVT sẽ quyết định kỷ luật, cách chức lãnh đạo cảng ngay.

Là một trong cảng biển đã từng vi phạm, cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) đang chấn chỉnh công tác kiểm soát tải trọng theo hướng tăng cường kiểm soát 100% phương tiện cả về tải trọng, tình trạng xe ra và vào cổng. Đồng thời, lập trình hệ thống bảng, biểu theo yêu cầu với đầy đủ các thông số (ghi đầy đủ biển số xe), ký xác nhận khối lượng hàng hóa... Đặc biệt, cảng Chân Mây ban hành quy chế quy trách nhiệm tới từng bộ phận chức năng nhằm xử lý vi phạm đối với các đơn vị, cá nhân để "lọt" xe quá tải. Đối với các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng và có hệ thống hoặc cố tình cấu kết với chủ hàng, chủ phương tiện để vi phạm sẽ bị buộc thôi việc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát tải trọng ngay tại nguồn hàng: Sẽ áp dụng chế tài mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.