Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư hệ thống camera giám sát: Bảo đảm xử lý nghiêm minh, khách quan

Tuấn Lương| 30/11/2015 06:56

(HNM) - Từ năm 2016, cơ quan chức năng có thể thực hiện phạt

Mục tiêu lớn nhất của mô hình này là răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó hạn chế tai nạn giao thông. Dự kiến, quá trình thí điểm diễn ra trong khoảng 6-12 tháng trước khi xem xét nhân rộng trên toàn bộ mạng lưới đường cao tốc và quốc lộ.


Hệ thống camera giám sát trên quốc lộ, cao tốc.


Xã hội hóa đầu tư hệ thống giám sát

Hai tuyến đường cao tốc sẽ được thí điểm là Hà Nội - Lào Cai (do Công ty Giải pháp công nghệ FPT làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ đồng) và Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình (do Công ty TNHH MTV Hanel làm chủ đầu tư).

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT, đến thời điểm này, Công ty đã lắp đặt xong hệ thống camera giám sát, máy đo tốc độ tự động có ghi hình, hệ thống truyền dẫn và các thiết bị phụ trợ khác trên đoạn thí điểm Nội Bài - Phú Thọ (thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Trong 58 hệ thống camera giám sát, có 42 hệ thống lắp đặt tại 22 vị trí trên tuyến chính, có thể tự động phát hiện vi phạm như điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cẩp; điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định; không tuân thủ các quy định về dừng, đỗ xe trên đường cao tốc... 16 hệ thống camera lắp đặt tại 6 trạm thu phí, có chức năng tự động nhận diện biển kiểm soát phương tiện và phát tín hiệu cảnh báo (đèn, còi) cho cảnh sát giao thông (CSGT) dừng, kiểm soát phương tiện vi phạm theo quy định. Ngoài ra, còn có 4 hệ thống máy đo tốc độ tự động có ghi hình, 3 hệ thống được bố trí luân phiên giữa 6 điểm đo tốc độ cố định trên tuyến cao tốc và một hệ thống lắp đặt trên xe tuần tra theo phương án tuần tra, kiểm soát của CSGT.

Ông Bùi Đình Tuấn (Công ty TNHH MTV Vận hành bảo trì đường cao tốc Việt Nam) cho biết, vi phạm giao thông phổ biến trên các tuyến cao tốc hiện nay là lỗi quá tốc độ; dừng, đỗ xe dọc đường; đón, trả khách trên đường, gây nguy cơ mất ATGT rất lớn. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát để phạt "nguội" sẽ phần nào hạn chế được việc vi phạm giao thông, hạn chế tai nạn giao thông.

Dự án thí điểm trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, với tổng số vốn hơn 151 tỷ đồng, sẽ có tổng cộng 35 điểm giám sát tốc độ, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm, đồng thời phân tích, nhận dạng biển số để cảnh báo cho lực lượng CSGT xử lý tại các trạm thu phí vào, ra trên tuyến. Việc lắp đặt cũng đang được Công ty TNHH MTV Hanel triển khai đúng tiến độ.

Về phương án xã hội hóa và khả năng hoàn vốn đầu tư, các đơn vị sẽ ứng trước kinh phí, vận hành thử nghiệm trong một năm, trên cơ sở đó, sẽ quyết định mức phí vận hành khai thác phù hợp. Hiện, FPT đề xuất triển khai theo hình thức thuê dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin. Doanh nghiệp (DN) xây dựng, vận hành; cơ quan quản lý nhà nước sử dụng chỉ việc thuê dịch vụ của DN mà không phải xây dựng đội ngũ và không phải đầu tư, quản lý hệ thống.

Bảo đảm khách quan trong kiểm tra và xử phạt

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hệ thống camera giám sát, phạt "nguội" sẽ chính thức hoạt động thí điểm từ tháng 1-2016. Thời gian thí điểm khoảng 6-12 tháng, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để xem xét nhân rộng trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ. Công nghệ này có thể phát hiện phương tiện vi phạm 24/24h, với độ chính xác cao, từ 90% đến 95%. Hành vi vi phạm được ghi lại bằng hình ảnh làm bằng chứng; đồng thời kết nối với cơ sở dữ liệu biển số của Việt Nam nhằm xác định thông tin về chủ phương tiện vi phạm.

Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua camera sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông và từng bước hoàn thiện việc đổi mới phương thức tuần tra, giảm sự có mặt của CSGT trên đường nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT). Công nghệ sẽ tránh được sự can thiệp của con người, qua đó bảo đảm khách quan hơn trong kiểm tra và xử phạt.

Tại hội nghị ATGT năm 2015, vừa được Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự hạn chế về ứng dụng khoa học công nghệ là rào cản lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Do đó, việc thí điểm xã hội hóa đầu tư hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến cao tốc là rất đáng quan tâm, khích lệ. Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đưa vào khai thác và sớm có đánh giá kết quả thí điểm, từ đó xem xét triển khai trên toàn tuyến quốc lộ trọng điểm, đường cao tốc theo hình thức thuê dịch vụ; đồng thời báo cáo Thủ tướng cho phép trích nguồn thu phí sử dụng đường bộ để thuê hệ thống công nghệ thông tin phục vụ bảo đảm trật tự ATGT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư hệ thống camera giám sát: Bảo đảm xử lý nghiêm minh, khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.