Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi lại ngày áp Tết tại TP Hồ Chí Minh: Cơ cực vì quá tải

Nhóm Phóng viên| 04/02/2016 06:33

(HNM) - Hàng triệu người trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận dồn dập đổ về quê đón Tết. Sân bay, ga tàu, bến xe, bến phà… đều rơi vào quá tải.


Ga nội địa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) không quá tải như ga quốc tế bởi số lượng Việt kiều về từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... tiếp tục tăng cao. Ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam, cho biết: Những ngày cao điểm Sân bay Tân Sơn Nhất đón trên 100.000 lượt khách Việt kiều tăng khoảng 15 đến 20% so với cùng kỳ năm 2015. Chưa kể trung bình một Việt kiều về quê ăn Tết có khoảng 9 đến 10 người thân đi đón. "Chúng tôi căng sức ra 100% quân số để bảo đảm an toàn cho mỗi người dân và chống móc túi, trộm cắp và cướp giật…", ông Mậu cho biết thêm.

Cảnh chật như nêm tại Sân bay Tân Sơn Nhất.


Ga quốc tế đông nghẹt và ngột ngạt, tại khu vực sảnh chờ, dù Ban quản lý sân bay bố trí khu vực riêng cho người thân đón chờ nhưng những người này phải đứng tràn ra sảnh bên ngoài. Và, các tuyến đường dẫn tới Sân bay Tân Sơn Nhất thì tắc nghẽn. Anh Lê Đức (Tân Uyên - Bình Dương) đưa bố mẹ già cùng vợ con đón người em ruột từ Mỹ về: "Đành cho vợ con ngủ tạm trên xe lấy sức chờ. Bố mẹ cũng hơi mệt do tại sảnh ga quốc tế đông nghẹt hơi người", anh Đức nói.

Tại Ga Sài Gòn (Quận 3), nhiều hành khách nằm bệt trên hành lý chờ lên tàu. Thậm chí, có hành khách mang bạt trải xuống khu vực sân ga vật vã chờ đến tàu về quê. Chị Từ Thị Liên (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, chiều tối tàu mới khởi hành nhưng sáng sớm đã phải cùng gia đình đi lên ga để không bị trễ. Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn), trung bình mỗi ngày cao điểm có khoảng 20 đến 30 hành khách bị trễ chuyến, được giải quyết bằng cách mua ghế phụ ngồi. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn có khoảng 100 đến 200 vé được trả lại nên hành khách vẫn có thể lên mạng để "săn" vé. Trong 10 ngày cao điểm trước Tết, trung bình mỗi ngày có khoảng 13.000 đến 14.000 lượt khách đi tàu chiều TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, với khoảng 18 đến 20 đoàn tàu phục vụ.

Tại các bến xe lớn của thành phố, thời điểm này, lượng khách từ khắp nơi vẫn ùn ùn kéo về. Trao đổi Báo Hànộimới, ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) cho biết: lượng khách đi lại tại 4 bến xe lớn nhất trên địa bàn (Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga) trong những ngày cao điểm này khoảng 900.000 lượt, tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 5 đến 10% . Hiện các bến xe và các đơn vị vận tải đáp ứng đủ xe để phục vụ hành khách nhưng lượng vé giường nằm có hạn không đáp ứng đủ yêu cầu. Còn ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: Dự kiến trong 2 ngày cao điểm nhất (26 và 27 tháng Chạp) sẽ phục vụ trên 50.000 lượt khách/ngày và giải quyết tất cả nhu cầu đi trong ngày. Hành khách không nên ra ngoài đón xe dọc đường, dễ gặp phải xe "dù" và xảy ra tình trạng "chặt chém", đẩy đuổi, thậm chí là "bán" khách dọc đường.

Các tuyến đường đổ ra sân bay, bến xe luôn trong tình trạng ùn tắc kéo dài.


Trong khi đó, các nhà ga, sân bay, bến xe tại Hà Nội vẫn chưa "nóng". An ninh trật tự, an toàn giao thông (ATGT) tại các khu vực này được bảo đảm. Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: Trong cả đợt cao điểm phục vụ tết Nguyên đán, dù đã chuẩn bị 220 xe tăng cường trong trường hợp quá tải nhưng bến mới chỉ sử dụng hơn 30 xe cho các tuyến có nhu cầu cao là Lào Cai, Vinh. Trong khi đó, ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm và ông Vương Duy Toàn, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát nhận định, từ ngày 5 đến 7-2 (tức 28 - 29 tháng Chạp) sẽ đông hơn, bởi đây là thời điểm cán bộ, công chức, người làm công bắt đầu được nghỉ làm để về quê ăn Tết. Tuy nhiên, các bến đã chuẩn bị phương án phục vụ, không để hành khách nào phải ở lại vì không có xe.

Nhà ga chịu thua "cò" vé

Ghi nhận của Báo Hànộimới chiều ngày 3-2, tại khu vực trong sân Ga Sài Gòn, có tới 4 đến 5 "cò" vé. Khi hỏi mua, được biết: "Chỉ cần đặt cọc trước ít nhất 100 nghìn đồng thì mai sẽ có vé đúng tên tuổi và thông tin cá nhân. Nếu giao vé hợp lệ tận tay thì tùy vào chặng đi, loại vé… giá chênh lệch từ 300 đến 500 nghìn đồng so với giá gốc". Liên quan đến tình trạng này, ông Đỗ Quang Văn thừa nhận, dù tăng cường lực lượng bảo vệ và an ninh nhưng Ban quản lý Ga Sài Gòn vẫn không thể "triệt" hết 100% các đối tượng này.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi lại ngày áp Tết tại TP Hồ Chí Minh: Cơ cực vì quá tải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.