Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả dự án BOT: Giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin

Tuấn Lương| 31/08/2016 06:28

(HNM) - Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm phí tại các trạm thu phí dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải và người dân.


Một trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Nhật Nam


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành liên quan rà soát, đề xuất các phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí trên cả nước, với mức giảm từ 10-20%. Theo đó, việc giảm phí được đề xuất mức 10-15% cho xe nhóm 4 (xe tải có tải trọng 10-18 tấn, xe container 20 feet), xe nhóm 5 (xe tải 18 tấn trở lên, xe container trên 40 feet) tại các trạm có mức thu tối đa khung quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC (mức thu cao nhất là 200.000 đồng/lượt); giảm 10-20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi (xe nhóm 1, nhóm 2) là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất, gồm 2 trạm trên quốc lộ (QL) 5, 2 trạm cầu Bến Thủy trên QL1 và 1 trạm cầu Gianh trên QL1. Đại diện Bộ GT-VT và Bộ Tài chính cho biết, đề xuất giảm phí BOT đường bộ dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án thấp hơn dự toán ban đầu. Nhiều dự án sử dụng ít hoặc không sử dụng tới chi phí dự phòng khối lượng khoảng 10% và chi phí dự phòng trượt giá 20%. Nhiều dự án rút ngắn được thời gian thi công, giảm chi phí đầu tư… Bộ GT-VT đang đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất về lộ trình, mức điều chỉnh với từng trường hợp.

Theo ông Phạm Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GT-VT), trong những phương án giảm phí có dòng xe thuộc nhóm 4, nhóm 5 là những dòng xe ảnh hưởng nhiều đến chi phí vận tải hàng hóa. Việc giảm sẽ được tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến thời gian thu phí trong hợp đồng BOT theo hướng rút ngắn thời gian thu phí.

Đại bộ phận giới kinh doanh vận tải đón nhận thông tin này một cách hồ hởi, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trước đây phí cầu đường chỉ chiếm 7-8% trong tổng chi phí vận tải, nhưng hiện nay phí cao, trạm thu phí dày đặc nên chi phí cầu đường đã tăng gấp 3 lần. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy bức xúc trong thời gian dài. Giảm phí là tín hiệu tốt nhưng nếu giảm cái này rồi lại tăng cái khác thì cũng không giải quyết được gì. Cơ quan quản lý nhà nước phải thực sự vì cả cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ chiều theo ý của nhà đầu tư.

Đánh giá cao việc Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và người dân để chỉ đạo các ngành chức năng đưa ra quyết định giảm phí BOT. Một số chuyên gia phân tích, đối với ngành vận tải đường bộ, chi phí BOT và chi phí bảo trì đường bộ là những yếu tố hình thành giá cước. Chi phí càng tăng sẽ khiến giá cước tăng theo, làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ thấp đi. Việc giảm 10-20% không chỉ tác động tích cực đến giới kinh doanh vận tải mà tác động đến toàn xã hội, bởi tất cả các chi phí đều tính vào giá vé hành khách, vào cước vận chuyển theo từng tấn hàng hóa. Giảm phí càng nhiều thì người dân càng được lợi. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ GT-VT, Bộ Tài chính cần làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc công khai minh bạch thông tin, giám sát quá trình lập và thực hiện các dự án BOT bảo đảm hiệu quả.

Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh cho rằng, vẫn có thể giảm phí BOT được nữa nếu như chúng ta làm tốt công tác dự báo về lưu lượng xe và giám sát về tiêu chuẩn kỹ thuật, quá trình thiết kế thi công để ngăn chặn những thất thoát không đáng có. Thời gian qua đã có những dự án lúc đầu dự báo lưu lượng xe thấp, nhưng sau 5-7 năm thực tế lưu lượng lại cao nên chỉ có doanh nghiệp BOT được hưởng lợi còn doanh nghiệp vận tải và người dân phải chịu thiệt thòi. Bộ GT-VT cũng cần công bố rõ từng dự án BOT có tổng mức đầu tư và thời gian thu phí bao nhiêu để người dân có thể giám sát.

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, các dự án BOT sắp tới triển khai ngay từ đầu cần xin ý kiến rộng rãi của người dân để tránh sau khi dự án hoàn thành thì người dân lại phản ứng - đó cũng là cách để công khai, minh bạch thông tin và nâng cao hiệu quả dự án BOT.

Kiểm soát rủi ro khi cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT

(HNM) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Theo đó, các TCTD theo dõi chặt chẽ, nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT, đánh giá lại hiệu quả dự án BOT khi mức phí thay đổi, có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn. Cùng với đó, các TCTD thẩm định chặt chẽ các dự án BOT, BT trước khi cho vay, lựa chọn dự án có khả năng thu hồi vốn cao; hoặc dự án thực hiện tốt quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư và xây dựng; dự án có áp dụng trạm thu phí không dừng. Không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Đức Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả dự án BOT: Giám sát chặt chẽ, minh bạch thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.