Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Hướng đến Thủ đô văn minh, hiện đại

Tuấn Lương| 26/09/2016 06:51

(HNM) - “Sẽ cân đối hài hòa các yếu tố hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tham vấn ý kiến cộng đồng nhằm đưa ra lộ trình phù hợp… hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại”

- Thưa ông, tại sao dự thảo đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đưa ra lộ trình hạn chế xe máy ngoại tỉnh từ năm 2020-2025?

- Đến thời điểm này, Sở GT-VT Hà Nội chưa có ý kiến chính thức. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là xe máy ngoại tỉnh hay Hà Nội đều như nhau trong việc đưa ra giải pháp hạn chế. Sở GT-VT Hà Nội và Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT đang hoàn thiện đề án và tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân.

- Trong đề án, tại sao lại tập trung vào xe máy mà không phải là ô tô con, thưa ông?

- Chúng ta đang tính toán tối ưu hóa, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Một là điều kiện hạ tầng có đủ chưa và phù hợp quy hoạch chưa? Hai là sự phát triển VTHKCC đến mức độ nào, đã phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân hay chưa? Thứ ba, việc chuyển hóa và thay đổi nhận thức để sẵn sàng sử dụng phương tiện công cộng. Ba yếu tố này quan hệ với nhau, song quan trọng nhất là nhận thức của cộng đồng. Vậy tại sao là xe máy? Hiện 80% người tham gia giao thông là bằng xe máy, nên sẽ là đối tượng đầu tiên được tính tới. Tuy nhiên, ô tô cá nhân cũng được quan tâm song song. Muốn giảm được phương tiện cá nhân thì phải phát triển mạnh VTHKCC thay thế phương tiện cá nhân.

Tuyến phố Chùa Bộc thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Khánh Huy


- Thế nhưng, tiến độ các dự án giao thông công cộng trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu. Hạn chế xe máy người dân sẽ đi bằng gì? Lộ trình hạn chế từ giai đoạn 2020-2025 liệu đã khả thi?

- Đây là việc đang dự thảo để xin ý kiến. Hiện có quan điểm cứ phát triển giao thông công cộng, đủ điều kiện thì sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân. Hai là, giải quyết cùng lúc thì ứng xử thế nào? Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, VTHKCC thì phải đồng thời hạn chế phương tiện cá nhân. Cơ quan quản lý phải tính toán đồng thời các yếu tố này để hài hòa và giữ được ổn định kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Căn cứ trên những yếu tố này sẽ quyết định lộ trình phù hợp.

Chủ trương của Thành ủy, UBND TP Hà Nội là từ nay đến năm 2020 phải đẩy mạnh VTHKCC bằng xe buýt và đây là phương tiện công cộng chủ lực giải quyết nhu cầu đi lại của người dân. Sở đang cùng Tổng công ty Vận tải Hà Nội xây dựng đề án phát triển nhanh, mạnh, đổi mới hoàn toàn xe buýt để đáp ứng được cỡ 20-25% nhu cầu đi lại của người dân (hiện đáp ứng khoảng 10-12%). Từ đó, dự kiến năm 2021-2025 sẽ bắt đầu thực hiện hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, sẽ giảm theo từng khu vực và bắt đầu từ khu vực trung tâm Thủ đô, sau đó giãn ra các trục trung tâm và các tuyến vành đai. Hướng đề xuất là đến năm 2025, nếu thay đổi được thói quen đi lại và nếp sống đô thị của người dân, thì sẽ từng bước giảm phương tiện cá nhân từ khu vực Vành đai 3 trở vào. Đây là đề án mang tính xã hội rất lớn. Sở cùng với Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT rất thận trọng trong quá trình nghiên cứu; còn cần phải tham vấn ý kiến các chuyên gia, hội nghề nghiệp và ý kiến nhân dân…

Với ý kiến e ngại lộ trình 10 năm không đủ, tôi cho rằng, đây là mục tiêu để phấn đấu với quyết tâm rất cao. Mục tiêu gắn với lộ trình từ nay đến năm 2020 tập trung phát triển nhanh, mạnh VTHKCC và kết cấu hạ tầng. Từ năm 2021 trở đi sẽ gắn với giảm phương tiện cá nhân. Lộ trình này có thể từ năm 2021 hoặc có thể lùi hơn vì phải căn cứ vào điều kiện thực tế hạ tầng, VTHKCC, sự thay đổi nhận thức và xu hướng thay đổi thói quen đi lại... Mục tiêu có đạt được hay không còn phải có sự đồng thuận của nhân dân, để cùng chia sẽ và xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, bền vững.

- Liệu đề án có “rập khuôn” mô hình quản lý giao thông của nước ngoài? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Cốt lõi của quá trình nghiên cứu phải xuất phát từ thực tế kinh tế - xã hội của đất nước, từ điều kiện của đô thị Hà Nội đang trên đà phát triển. Đó là 2 yếu tố căn bản để chúng ta tính toán, cộng với nguồn lực khác phục vụ cho công tác quản lý, để có thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân… Kinh nghiệm của các nước là để ta nghiên cứu, tham khảo, từ đó chắt lọc, áp dụng cho đô thị của ta chứ không phải áp dụng một cách máy móc, “rập khuôn”. Chính vì vậy, chúng tôi rất cần những ý kiến của cộng đồng, của chuyên gia có kinh nghiệm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Hướng đến Thủ đô văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.