Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải: “Cuộc chiến” còn gian nan

Tuấn Lương| 03/10/2016 06:56

(HNM) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất Bộ GT-VT cho phép lắp camera giám sát xe quá tải tại một số điểm “nóng”, đặc biệt tại một số tuyến đường có mỏ vật liệu.


Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội kiểm tra, xử lý xe quá tải trên quốc lộ 32. Ảnh: Bá Hoạt


Vi phạm giảm nhưng vẫn phức tạp

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, lực lượng chức năng của các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt tổ chức công tác kiểm soát tải trọng xe, từng bước đẩy lùi tình trạng các phương tiện quá khổ, chở quá tải. Số lượng phương tiện vi phạm đã từng bước giảm so với các giai đoạn trước đó. Cụ thể, trong tháng 6-2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý khoảng 5.200 xe vi phạm về tải trọng hoặc cơi nới thùng hàng; trong tháng 7-2016 xử lý khoảng 4.000 xe vi phạm; tháng 8-2016 xử lý khoảng 3.150 xe vi phạm. Theo đánh giá của Tổng cục ĐBVN, công tác kiểm soát tải trọng xe tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước đã góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Qua đó được xã hội đồng thuận, ủng hộ cao, nhận thức của chủ xe, lái xe, doanh nghiệp vận tải, các cơ sở đầu nguồn hàng (kho bãi, bến cảng, công trường thi công...) đã được nâng lên rõ rệt... theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng cho thấy, nhiều địa phương đã làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe như Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải; các xe vi phạm chủ yếu là xe chở vật tư, vật liệu xây dựng, nông, lâm sản lưu thông đường ngắn... Tại khu vực cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) tồn tại hiện tượng các xe đầu kéo kéo container sang tải, dồn tải để chở hàng quá tải tại các kho, bãi xung quanh cảng. Hay như trên quốc lộ 21 đoạn qua địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai (Hà Nội) vẫn còn tình trạng xe chở vật tư, vật liệu xây dựng như đất, cát, đá quá tải lưu thông do khu vực này có nhiều mỏ cát, mỏ đá và nhà máy xi măng...

Sẽ lắp camera giám sát

Nhằm xử lý cương quyết và hiệu quả tình trạng xe quá khổ, quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục ĐBVN đang đề xuất Bộ GT-VT cho phép lắp camera giám sát xe quá tải tại một số điểm “nóng”, đặc biệt tại một số tuyến đường có mỏ vật liệu. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng vì mục tiêu kiểm soát, ngăn chặn xe quá tải một cách bền vững, kéo giảm tai nạn giao thông, đồng thời giám sát hoạt động của lực lượng thực thi công vụ, phòng ngừa tiêu cực, nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng xe, việc lắp đặt hệ thống camera ghi lại hình ảnh các phương tiện tham gia giao thông là hết sức cần thiết. Hệ thống camera ghi và lưu giữ hình ảnh các phương tiện lưu thông làm cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, phát hiện xe quá khổ, quá tải, cung cấp thông tin kịp thời cho các lực lượng kiểm tra tải trọng xe của các địa phương và cũng là căn cứ để xác định vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, camera khi được lắp tại các đường vào mỏ vật liệu, dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm Dữ liệu của Tổng cục ĐBVN sau đó sẽ được trích xuất chuyển cho các địa phương biết được tình trạng xe quá tải tại các mỏ vật liệu để xử lý. Nếu dùng để “phạt nguội” thì chưa được, nhưng chính quyền các địa phương sẽ biết được tình trạng xe quá tải tại các mỏ vật liệu đang diễn ra như thế nào để điều lực lượng kiểm tra, xử lý, qua đó tạo được tính công khai, minh bạch trong xử lý xe quá tải. Camera sẽ chỉ lắp ở các điểm “nóng”, có nhiều xe quá tải như một số tỉnh phía Bắc có nhiều mỏ đá, quặng là: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình... Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục ĐBVN đang phối hợp với Tổng cục Cảnh sát và cơ quan Cảnh sát điều tra theo dõi, kiểm soát cả doanh nghiệp và người thực thi công vụ để xử lý lực lượng “cò” và bảo kê xe quá tải. Tuy nhiên, các địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ đường, kể cả quốc lộ đi qua địa phương. Để xử lý xe quá tải thì vai trò chính vẫn là của địa phương.

Trên tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 21 đoạn qua địa phận Hà Nội có nhiều mỏ đá. Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng và chính quyền tại địa bàn nhiều lần kiểm tra các bãi bốc xếp hàng hóa, mỏ khai thác vật liệu và yêu cầu cam kết không chở quá tải, bốc xếp hàng hóa đúng quy định. Đồng thời, tiến hành xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm chở quá tải. Tuy nhiên, khi lực lượng liên ngành rút đi, vi phạm lại tái diễn. Do đó, lắp đặt camera sẽ là một giải pháp hiệu quả bởi theo quy định, hiện xe tải từ 7 tấn trở lên đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Thông qua thiết bị này có thể giám sát hành trình, xác định được chiếc xe có dấu hiệu quá tải đó đang ở vị trí nào để yêu cầu lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn tình trạng xe quá khổ, quá tải: “Cuộc chiến” còn gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.