Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số do Hanel cung cấp: Sẽ vận hành từ năm 2017

Hiền Anh| 27/10/2016 07:21

(HNM) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan về việc thực hiện đề án “Giải pháp giao thông thông minh (GTTM) trên nền bản đồ số” mới đây tại Hà Nội.


Đề án “Giải pháp GTTM trên nền bản đồ số” được Bộ GT-VT chỉ định giao Công ty TNHH MTV Hanel thực hiện ở cả 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không và đường sắt. Quá trình thực hiện đề án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện trong lĩnh vực đường bộ; giai đoạn 2, thực hiện các lĩnh vực còn lại. Bộ GT-VT giao Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) thay mặt Bộ thẩm tra, thẩm định đề án tổng thể.

Ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm CNTT, Bộ GT-VT cho biết, Bộ GT-VT là cơ quan quản lý duy nhất một bản đồ giao thông kỹ thuật số thống nhất trên toàn quốc. Các cơ quan, đơn vị có thể triển khai xây dựng các ứng dụng trên nền bản đồ số này theo các lĩnh vực chuyên ngành. Bộ sẽ xây dựng quy chế cập nhật và chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan. Trung tâm CNTT được Bộ GT-VT giao trực tiếp quản lý bản đồ số của Bộ và là đầu mối cung cấp bản đồ cho tổng cục và các cục theo quy định.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel, giải pháp tổng thể quản lý GTTM trên nền bản đồ số kết nối các ứng dụng, cơ sở dữ liệu từ cả 5 lĩnh vực trên, nhằm giúp Bộ GT-VT có một hệ thống quản lý tổng thể và sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn như tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước bằng ứng dụng CNTT; giải quyết được các vấn đề nhức nhối nhất hiện nay cho các doanh nghiệp và đơn vị vận tải; cung cấp cho người dân các thông tin chỉ dẫn giao thông, điểm đen, điểm ùn tắc, cảnh báo tốc độ và tạo môi trường giao thông an toàn; nâng cao ý thức tham gia giao thông, tạo niềm tin và sự an toàn cho người dân.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Hanel đã xây dựng xong các ứng dụng quản lý vận tải đường bộ theo yêu cầu của Bộ GT-VT, gồm hệ thống giám sát hành trình, hệ thống biển báo tốc độ, hệ thống tích hợp ứng dụng quản lý tuyến cố định, hệ thống giám sát hành trình hai chiều, hệ thống sàn giao dịch vận tải và hệ thống điều hành taxi.

Nhấn mạnh về tính cấp thiết phải sớm phê duyệt đề án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Trung tâm CNTT cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty TNHH MTV Hanel phối hợp rà soát lại các công việc liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án. Thứ trưởng đồng ý triển khai đề án theo hai giai đoạn, trong giai đoạn 1, tập trung vào công tác quản lý nhà nước về hệ thống giám sát hành trình, quản lý tuyến cố định, quản lý cầu - đường, quản lý các vụ tai nạn giao thông...; đồng thời, lưu ý trong đề án phải nói rõ về thực hiện quyết định của Nhà nước về thuê dịch vụ hạ tầng CNTT, trên cơ sở bảo đảm tính độc quyền.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng giao Trung tâm CNTT tham mưu về giá thuê, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tham mưu, thẩm định các thiết bị thuê; trên cơ sở đó xây dựng đề án về tổng thể, kinh phí đầu tư, để Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào kế hoạch bố trí vốn hằng năm, thanh toán cho nhà đầu tư. Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan chủ trì soạn thảo đề án, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện đề án trong tháng 10-2016, để Bộ phê duyệt trong đầu tháng 11-2016 và chính thức đưa vào sử dụng từ 1-1-2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số do Hanel cung cấp: Sẽ vận hành từ năm 2017

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.