Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử phạt xe không chính chủ: Bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện

Thành Tâm| 10/01/2017 07:19

(HNM) - Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có một số điều khoản có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ của người tham gia giao thông. Ảnh: Sơn Bình


Trong số đó, dư luận quan tâm đến nội dung xử phạt với chủ phương tiện là mô tô, xe máy không làm thủ tục đăng ký sang tên khi mua, được cho, tặng… Đây là quy định bắt buộc, có tính chất phục vụ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này và bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện. Nhưng, việc xử phạt chỉ áp dụng trong những trường hợp rất cụ thể và không gây khó cho người dân…

Không gây phiền hà cho người dân

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô sẽ bị xử phạt từ ngày 1-1-2017 theo quy định của Nghị định 46. Việc xử lý vi phạm này đối với phương tiện ô tô đã được thực hiện trước đó, theo quy định của pháp luật và trong năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 700 trường hợp chậm sang tên, được phát hiện trong quá trình cấp đăng ký phương tiện, thu gần 1,7 tỷ đồng. Từ ngày 1-1-2017 đến nay, Cảnh sát giao thông tiếp tục xử lý 12 trường hợp tương tự.

Việc xử lý vi phạm không làm thủ tục đăng ký sang tên, dù là ô tô hay xe máy cũng chỉ được thực hiện trong hai trường hợp. Thứ nhất là thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; thứ hai là thông qua công tác đăng ký xe. Vì vậy, không có chuyện Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường chặn kiểm tra “xe chính chủ”. Cảnh sát giao thông cũng không vì những vi phạm an toàn giao thông khác mà yêu cầu người điều khiển phương tiện chứng minh nguồn gốc phương tiện có phải của mình hay người thân hoặc đi mượn… Chính vì vậy, dù Điểm b, Khoản 1, Điều 30 của Nghị định 46 quy định về xử phạt đối với cá nhân, tổ chức không làm thủ tục đăng ký sang tên đối với mô tô, xe máy đã có hiệu lực, nhưng cơ quan Công an chưa  xử phạt trường hợp nào.

Do quy định trên của pháp luật hướng tới việc quản lý phương tiện tốt hơn, minh bạch hơn nên Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông nhận định, việc đăng ký “xe chính chủ” không gây xáo trộn nhiều đối với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Công an và cũng không gây phiền hà cho người sử dụng phương tiện khi lưu thông bình thường.

Không vì thế mà coi thường pháp luật

Không phiền hà khi lưu thông, song chủ phương tiện không vì thế mà coi nhẹ việc đăng ký chính chủ, bởi đó là việc làm bảo đảm quyền lợi cho chủ phương tiện. Để bảo đảm quyền lợi cũng như góp phần vào công tác quản lý phương tiện, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chủ phương tiện nên tuân thủ, thực hiện đăng ký sang tên xe theo quy định. Việc này bảo đảm quyền xác nhận tài sản hợp pháp của chủ phương tiện trước pháp luật. Mặt khác, về lâu dài sẽ giúp chủ phương tiện tránh được những tranh chấp, rủi ro không đáng có, tránh phiền phức khi phương tiện liên quan đến tai nạn cũng như giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác quản lý, điều tra, giải quyết. Trong trường hợp phương tiện bị mất cắp, bị cướp giật, lừa đảo…, nếu xe là chính chủ, lực lượng Công an sẽ thuận lợi hơn trong việc xác minh, xác định căn cứ để điều tra, truy bắt tội phạm, thu giữ tang vật.

Mặt khác, việc chủ phương tiện cố ý không sang tên đổi chủ cũng không dễ gì qua mặt được cơ quan Công an. Để xác định xem chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định hay xe đi mượn, đi thuê, Cảnh sát giao thông có nhiều biện pháp. Trong đó, về mặt nghiệp vụ, cảnh sát có thể xác định thông qua dữ liệu quản lý cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng. Chỉ huy Phòng Cảnh sát giao thông khuyến nghị, với quy định “mở”, tạo điều kiện cho nhân dân như hiện tại, người dân nên tuân thủ, thực hiện việc đăng ký sang tên xe theo quy định.

Theo cơ quan chức năng, quy định về đăng ký phương tiện là bước đi cần thiết cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, rộng hơn là quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Vì lợi ích của bản thân và xã hội, mỗi người dân nên quan tâm hơn đến việc khẳng định quyền sở hữu đối với phương tiện của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt xe không chính chủ: Bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.