Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Đường sắt: Loay hoay giải "bài toán" cạnh tranh

Tuấn Lương| 13/01/2017 06:54

(HNM) - Những năm gần đây, Ngành Đường sắt dù có những nỗ lực vượt bậc nhằm cải thiện hình ảnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, song vẫn không đủ sức cạnh tranh với vận tải đường bộ và hàng không.

Thiếu sức cạnh tranh

Năm 2016 tiếp tục là năm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, sản lượng toàn ngành đạt 7.975 tỷ đồng (87,7% so với cùng kỳ); doanh thu 8.338 tỷ đồng (đạt 88,8% so với cùng kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do đường sắt vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận tải khác, cùng với sự cố sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) và tình hình bão lũ xảy ra liên tiếp tại khu vực miền Trung và các tỉnh Nam Trung Bộ khiến nhiều thời điểm hoạt động vận tải đường sắt bị gián đoạn, ách tắc nghiêm trọng. Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai.


Cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp Ngành Đường sắt nâng cao khả năng cạnh tranh. Ảnh: Anh Tuấn


Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN, vận tải hành khách các tuyến ngắn không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài thì khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ. Nếu khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 1995 chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 7,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn Ngành GT-VT, thì những năm gần đây liên tục có mức sụt giảm lớn. Lượng luân chuyển hành khách chỉ đạt 3,2% tổng lượng luân chuyển hành khách và lượng luân chuyển hàng hóa chỉ đạt 1,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành.

Nhiều ý kiến cho rằng những yếu kém về hạ tầng, thời gian đi lại, đặc biệt là giá vé chưa đủ sức cạnh tranh khiến đường sắt đang phải chịu cảnh "lép vế" so với các loại hình vận tải đường bộ và đường hàng không. Dù đường sắt đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, trên toa, dưới ga thông thoáng, sạch sẽ hơn, nhân viên phục vụ nhiệt tình và tỷ lệ tàu đi đúng giờ đạt tới 98,5%... nhưng sức cạnh tranh còn thấp. Với giá vé, chẳng hạn như tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, hành khách đang phải chi trả gần 1,4 triệu đồng và phải mất khoảng 36 giờ để di chuyển bằng tàu hỏa thì hoàn toàn có thể lựa chọn đi bằng đường hàng không giá rẻ với thời gian di chuyển chỉ 3-4 giờ.

Ông Trần Thế Hùng, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh (Tổng công ty ĐSVN) thừa nhận, sản lượng vận tải hành khách của Ngành Đường sắt đang có xu hướng giảm, trong đó có cả cự ly 300-500km vốn là cự ly ưu thế của vận tải đường sắt. Nguyên nhân là những năm vừa qua, nền kinh tế của đất nước phát triển, trong đó sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho hạ tầng giao thông vận tải đường bộ tăng rất mạnh, qua đó có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp cho nhu cầu đi lại của người dân...

“Cái khó bó cái khôn”

Nhiều năm nay, Ngành Đường sắt vẫn phải loay hoay với bài toán cạnh tranh để phát triển, trong khi nguồn vốn đầu tư cho ngành luôn ở mức thấp. “Cái khó đang bó cái khôn”, theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN, tỷ trọng vốn đầu tư cho đường sắt giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm 2,3% so với toàn Ngành GT-VT. Các nguồn vốn đầu tư chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có, vốn đầu tư phát triển các tuyến mới rất ít. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của ĐSVN. Nếu như có được nguồn vốn đầu tư thích đáng, năng lực của hạ tầng được nâng cao, qua đó sẽ nâng được số đôi tàu trên tuyến, góp phần giảm chi phí điều hành, giảm giá thành vận tải để tăng cạnh tranh. Trong khi đó, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đường sắt đã thực hiện được 10 năm nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia mà mới chỉ nằm ở những gói nhỏ, chủ yếu là đầu tư nâng cấp cải tạo các phương tiện vận tải, cụ thể là toa xe.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, năm 2017 và các năm tiếp theo, Tổng công ty ĐSVN sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và nâng cao sản lượng, doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; điều hành vận tải theo đúng biểu đồ chạy tàu; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt đặc biệt tại các ga lớn, trọng điểm về vận tải...

Thứ trưởng Bộ GT-VT, kiêm phụ trách HĐTV Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Ngọc Đông cho biết, mạng đường sắt quốc gia được xây dựng từ lâu, lạc hậu. Từ năm 1975 đến nay có xây dựng mới tuyến đường sắt đến cảng Cửa Lò (Nghệ An) nhưng đã dừng hoạt động; tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang bị đình hoãn, còn lại không có tuyến đường sắt mới nào được đầu tư trọn vẹn. Trong khi đó, đường nhánh kết nối với cảng biển nhiều nơi bị dỡ bỏ, kết nối kém... Vốn cho duy tu đường sắt hằng năm dao động 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. “Chính phủ cần xem xét ưu tiên nguồn vốn trung hạn cho các dự án tháo nút thắt về hạ tầng đường sắt, dự án về hành lang, đường gom an toàn đường sắt, ưu đãi cho đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt…” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiến nghị.

Nguồn lực đầu tư cho phát triển đường sắt hạn chế trong khi công tác xã hội hóa rất khó khăn, khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây là nguyên nhân chính cản trở phát triển đường sắt, hiện đại hóa đường sắt. Để thực hiện yêu cầu phát triển, ngành cần có thứ tự ưu tiên các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam để từng bước đạt mục tiêu tốc độ tàu hành khách đạt 90km/giờ, trong đó từng bước đầu tư khắc phục nút thắt về hạ tầng; đầu tư, cải tạo, nâng cấp các nhà ga; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức đường sắt - đường bộ; đầu tư nâng cấp trang thiết bị Ngành Đường sắt; tăng cường bước đầu tư kết nối đường sắt quốc gia với các cơ sở sản xuất, dịch vụ lớn, đặc biệt là cảng biển...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Đường sắt: Loay hoay giải "bài toán" cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.