Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Không thể chậm trễ

Tuấn Lương| 31/03/2017 06:19

(HNM) - Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, 85% số người được hỏi đồng thuận giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.


Việc gia tăng nhanh chóng phương tiện cá nhân gây áp lực lớn đối với giao thông đô thị.Ảnh: Nguyễn Nam


Thực tế: SOS!

Những năm qua, TP Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc hoàn thành và nối thông nhiều tuyến đường vành đai, đường xuyên tâm; mở rộng nhiều nút giao thông và đưa vào khai thác hàng chục cầu vượt nhẹ kết cấu thép. Những công trình này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô và hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp. Có những giai đoạn ùn tắc giảm rõ rệt, nhưng lại phát sinh thêm những "điểm đen" mới. Nguyên nhân được đại diện các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia chỉ rõ, đó là do tốc độ gia tăng của các phương tiện giao thông quá nhanh, vượt quá khả năng phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng đã khiến tình trạng quá tải càng thêm trầm trọng, kết quả chống ùn tắc thiếu bền vững.

Hiện nay trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 5,9 triệu phương tiện giao thông đang hoạt động, trong đó hơn 596.000 ô tô, còn lại chủ yếu là xe máy. Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 16.000-22.000 xe máy và 6.000-8.000 ô tô đăng ký mới. Dự kiến, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô và khoảng 7 triệu xe máy lưu hành, chưa kể xe của khối lực lượng vũ trang và các tỉnh, thành khác lưu thông vào Hà Nội.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT, với mức tăng 3,9%/năm về chiều dài và 0,25% về diện tích mặt đường, mà tốc độ tăng trưởng của xe máy gấp 2 lần, ô tô con gấp 4,3 lần, thì việc ùn tắc giao thông thường xuyên, vào mọi khung giờ không quá khó hiểu. Nếu phát triển phương tiện theo xu thế tự nhiên như hiện nay, đến năm 2020 toàn thành phố sẽ bị ùn tắc nghiêm trọng với diện tích chiếm dụng của phương tiện vượt 3 lần, trong Vành đai 3 vượt 4,57 lần. Đây là thực tế đáng báo động, đã đến lúc cần thiết phải kiểm soát phương tiện cá nhân một cách hợp lý và không thể chậm trễ.

Rõ lộ trình, giải pháp cụ thể

Mới đây, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (đơn vị đang phối hợp với Sở GT-VT Hà Nội xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân) công bố một con số rất đáng chú ý. Theo đó, qua khảo sát trực tiếp hơn 16.000 người có tới 85% ý kiến đồng thuận với việc hạn chế phương tiện cá nhân, tập trung vào các quận nội thành. Đây là con số cho thấy nhận thức của người dân về vấn đề này đã có sự thay đổi rõ rệt.

Cũng đánh giá nhận thức của người dân đã, đang có những bước chuyển biến, chuyên gia giao thông Lương Hoài Nam cho biết, 4 năm trước khi ông đưa ra ý kiến về việc cần phải giảm, hạn chế tiến tới cấm xe máy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã gặp phải những phản ứng rất mạnh từ dư luận. Tuy nhiên, theo thời gian, ý kiến phản ứng ít dần cho thấy nhận thức của người dân về việc hạn chế tiến tới loại bỏ xe máy đã thuận hơn rất nhiều.

Mỗi khi bàn tới vấn đề hạn chế phương tiện, luôn có một câu hỏi rất cũ, rằng người dân sẽ đi bằng gì khi mạng lưới giao thông công cộng vừa thiếu, vừa yếu? Thậm chí, không ít người dân còn nói "bao giờ có tàu điện ngầm thì tôi sẽ bỏ xe máy". Trước câu hỏi này, chuyên gia Lương Hoài Nam cho rằng đây là sự hiểu lầm cần được xóa bỏ. Tàu điện ngầm không thể thay thế xe máy. Tại Singapore, bình quân cứ 7km2 mới có 1 bến tàu điện ngầm. Nhưng, vì sao Singapore lại loại bỏ được xe máy? Đó là nhờ họ có khoảng 5.000 bến xe buýt phủ kín toàn thành phố. Vì thế, nên đặt vấn đề xe buýt là phương tiện công cộng thay xe máy. Tuy nhiên, khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể "chung sống" hòa bình trên một làn đường mà chỉ nên chọn một loại phương tiện. Muốn xe buýt phát triển phải nghiên cứu theo hướng lấy làn đường trong cùng làm làn đường riêng. Bên cạnh đó, tăng trưởng xe buýt không nên đi theo hướng tăng đều đều từng năm mà phải tăng theo nấc thang tái cấu trúc giao thông đô thị với những bước "nhảy vọt", như vậy mới có thể thành công.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho biết, trong đề án quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đang được nghiên cứu có nêu rõ lộ trình (dự kiến thực hiện vào giai đoạn năm 2025 - 2030); mục tiêu, yêu cầu và các biện pháp lâu dài, biện pháp cấp bách để giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc là phải phát triển giao thông công cộng. Trong đó, phát triển mạnh xe buýt là một giải pháp quan trọng. Cùng với việc xây dựng tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, Hà Nội phải nâng cao chất lượng xe buýt, mở rộng mạng lưới và phạm vi hoạt động. Đến năm 2020, xe buýt phải đáp ứng 20-25% nhu cầu đi lại của nhân dân (hiện mới đạt 14-15%). Nhưng không chỉ phát triển về số lượng mà làm sao để hành khách hài lòng về chất lượng phương tiện, luồng tuyến hợp lý, thái độ phục vụ thân thiện...

Theo ông Takagi Michimasa, nguyên tư vấn trưởng dự án cải thiện giao thông công cộng Hà Nội, việc hạn chế xe cá nhân không chỉ đúng với Hà Nội mà là biện pháp chung của các thành phố trên thế giới. Kinh nghiệm tại Nhật Bản là để thực hiện biện pháp này, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng được đưa ra và hiệu quả là không thể phủ nhận.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân: Không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.