Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Chi phí GPMB dự kiến tăng lên 23.000 tỷ đồng

Bảo Hân| 01/06/2017 17:43

(HNMO) - Dự kiến, kinh phí để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng (21,7% yêu cầu).


Phương án thiết kế nhà ga Sân bay Long Thành được Tổng Công ty  Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét ưu tiên lựa chọn. Ảnh theo Tuổi trẻ

Thu hồi đất từ 4.730 hộ gia đình

Chiều 1-6, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, ngày 25-6-2015, Quốc hội (QH) khóa XIII tại Kỳ họp thứ chín đã có Nghị quyết số 94 thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa.


Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ phải tổ chức xây dựng phương án và thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi; quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng theo quy hoạch được phê duyệt của dự án; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất  bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác lập phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư; xây dựng Đề án giải quyết việc làm, tổ chức lại đời sống của người dân trong diện di dời, giải toả.

Cụ thể, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi là 5.614,65 ha, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và 614,65 ha đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang). Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ gia đình, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức (bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp).

Khái toán tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 23.000 tỷ đồng (tính theo đơn giá năm 2017).

"Việc tách nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại thời điểm hiện nay, trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ giúp Dự án được triển khai bảo đảm tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 94, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực Dự án", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Cần làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực

Về sự cần thiết tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến tán thành với việc tách các nội dung này để bảo đảm tiến độ của dự án theo Nghị quyết 94 của Quốc hội vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh.


Cụ thể, tại thời điểm trình QH quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chi phí GMPB là 18.500 tỷ, đến thời điểm này là 23.000 tỷ (tính theo giá đất năm 2017). Nếu chờ đến khi QH thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Dự án, sau đó mới thực hiện GPMB thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với Nghị quyết của QH đề ra khoảng 2-3 năm.

Về kinh phí thực hiện, theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn để thực hiện GPMB  cho Dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, công tác GPMB rất quan trọng, phải thực hiện trước và cần nguồn kinh phí rất lớn, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần tiếp tục làm rõ hơn các phương án huy động nguồn lực để thực hiện. Trong đó, Chính phủ cần lưu ý tính khả thi của các nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất tái định cư, phương án khai thác, tạo nguồn thu từ quỹ đất chưa sử dụng của Dự án; rà soát các nguồn lực cho đầu tư công, kể cả từ nguồn dự phòng đầu tư trung hạn 2016-2020.

Dự kiến, nếu được QH chấp thuận việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (thành phần) bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm căn cứ để báo cáo QH xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tư của QH khóa XIV.

Thảo luận tại tổ, ĐB Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai) chia sẻ, là ĐBQH, cũng là lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bà đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần là rất cần thiết để bảo đảm tiến độ của dự án.

ĐB QH tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh.

"Chúng tôi quan tâm đến an sinh xã hội cho người dân 6 xã thuộc vùng quy hoạch dự án này bởi họ đang rất băn khoăn, lo lắng về tình trạng chuyển đổi nghề nghiệp, xây dựng nhà cửa khi quy hoạch này đã công bố trên 10 năm. Nếu không tiến hành GPMB, thu hồi đất sớm thì người dân rất lo lắng, nhiều vấn đề có thể phát sinh phức tạp, chẳng hạn như giá đất lên cao. So với 10 năm trước hiện giá đất đã lên cao 8-10 lần, ảnh hưởng đến sau này tính toán mức đền bù tái định cư cho dân” - ĐB Phan Thị Mỹ Thanh nói.

Ngoài ra, theo ĐB này, QH khóa XIII khi thông qua chủ trương dự án này tính toán chi phí GPMB vào khoảng 18.000 tỷ đồng, nay tính theo giá 2017 đã tăng lên 23.000 tỷ. Do đó, nếu chậm thì chi phí sẽ còn tăng lên cao hơn nữa, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư.

“Địa phương chúng tôi cho rằng thực sự rất cần thiết để tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần. Qua những lần tiếp xúc cử tri, bà con đa số rất đồng tình. Mong muốn của bà con là làm sao triển khai dự án được nhanh để họ sớm an cư lạc nghiệm, ổn định cuộc sống. Hoàn chỉnh bức tranh sân bay Long Thành sớm không chỉ tốt cho Đồng Nai mà còn là bức tranh đẹp của cả nước. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn các ĐBQH, Quốc hội đồng tình ủng hộ việc tách dự án này” - ĐB Phan Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Chi phí GPMB dự kiến tăng lên 23.000 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.