Theo dõi Báo Hànộimới trên

Canh cánh nỗi lo mỗi chuyến đò

Tiến Thành - Tuấn Lương| 03/06/2017 06:37

(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 28 bến đò ngang hoạt động. Khi mùa mưa bão đến, chứng kiến những chuyến đò lặng lẽ qua sông mà không được trang bị dụng cụ cứu sinh, hành khách không ai mặc áo phao, nhiều chuyến đò chở quá tải lại canh cánh nỗi lo mất an toàn giao thông đường thủy, rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào...

Hình ảnh lộn xộn, thiếu an toàn trên một chuyến phà tại Bến phà Vạn Phúc - Đại Nộ, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì). Ảnh: Anh Tuấn



Lái đò và hành khách vẫn chủ quan

Bến đò Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) vào đầu buổi sáng 1-6 khá đông khách đang chờ sang sông. Gọi là đò, nhưng thực ra giống như một chiếc phà nhỏ, chạy bằng động cơ, chứa tối đa chừng 20 - 25 khách cùng với xe máy, xe đạp. Giá vé qua sông là 5.000 đồng/ người và xe máy. Bến có 3-4 đò, chạy liên tục, nhưng thường thì đò đông vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Các cung giờ khác trong ngày khách đi lác đác, thậm chí có chuyến chỉ 4-5 người.

Chúng tôi lên đò mang số hiệu HN0203, lúc đó đã có hơn chục khách. Xe máy, xe đạp được khách tự xếp ngay ngắn giữa đò. Trời nắng gắt nên khách tụm lại một góc, dưới mái che nhỏ gần vị trí người lái. Đò nổ máy sang sông.

Quan sát trên mái đò có dòng chữ nguệch ngoạc: “Khách đi đò phải mặc áo phao”. Trên thành đò, bảng nội quy ghi rõ, lái đò phải bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện chở khách cũng như dụng cụ cứu sinh và trang thiết bị theo quy định; phát dụng cụ cứu sinh cho khách mặc trước khi rời bến... Thế nhưng, không một ai mặc áo phao, kể cả chủ lẫn khách. Và cũng chẳng một ai thắc mắc tại sao không có. Nhìn khắp đò thực tế cũng không thấy cái áo phao nào, chỉ thấy 3-4 cái phao tròn đã cũ nát, lớp vải bọc bị bong bật, treo hờ hững trên thành đò. Bên kia sông, bến đò Văn Đức (huyện Gia Lâm) cũng trong tình trạng tương tự. Lái đò, phụ đò thầm lặng chờ khách, cần mẫn đưa khách qua sông mà không có một lời nhắc nhở, phát và hướng dẫn sử dụng thiết bị cứu sinh cho khách. Hành khách cũng lặng lẽ sang sông theo những chuyến đò. Có lẽ, chuyến đò vượt sông Hồng chỉ trong khoảng 10 phút, quá ngắn ngủi nên khiến người ta chủ quan, không quan tâm đến những nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào chăng?

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68 - Công an TP Hà Nội), trên địa bàn thành phố có 29 bến đò qua sông, trong đó có 28 bến đò ngang và 1 bến đò dọc (hiện tại đã ngừng hoạt động). Tại các bến đò, nhiều năm nay chưa xảy ra tai nạn, sự cố đáng tiếc gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, việc thiếu chấp hành các quy định trong kinh doanh vận tải hành khách đường thủy đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm 1.279 trường hợp, phạt hơn 200 triệu đồng, với các lỗi như: Người đi đò không mặc áo phao, đò không được trang bị dụng cụ cứu sinh, neo đậu sai quy định, chở quá tải, không có sổ danh bạ thuyền viên, không kẻ số đăng ký phương tiện...

Tăng cường vai trò giám sát của địa phương

Thiếu áo phao, thiếu phương tiện cứu sinh là câu chuyện không có gì là lạ ở nhiều bến đò ngang. Thực tế này đã được phóng viên Báo Hànộimới phản ánh trong loạt bài dịp mùa mưa bão năm 2016, nhưng "chuyện không lạ" ấy vẫn tiếp tục tồn tại. Dù rằng trong những năm qua, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đã phối hợp với chính quyền các địa phương nơi có bến đò tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông và phát tặng áo phao cho các chủ đò. Tuy nhiên, việc này chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Sau đó, mọi việc đâu lại vào đó bởi sự thiếu ý thức của lái đò, chủ đò, sự chủ quan của hành khách cộng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Đại diện PC68 cũng thừa nhận, lực lượng của phòng mỏng nên không thể kiểm soát hết các bến đò trên tuyến đường sông dài khoảng 100km. Trong khi đó, chính quyền địa phương còn chưa sâu sát trong quản lý, dẫn tới những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Hơn nữa, các phương tiện của PC68 phải hoạt động liên tục để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm nên lâu ngày đã phát sinh hư hỏng.

Đối với các tuyến đường thủy nội địa, PC68 đã điều tra cơ bản, tập trung vào khu vực thường xuyên bị sạt lở, khu vực có dân cư sinh sống ngoài đê...; phối hợp với công an địa phương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế; phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường thủy kiểm tra, lên danh sách phương tiện thủy thường xuyên hoạt động trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống. Qua đó, phân loại chất lượng phương tiện, yêu cầu trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, đồng thời có biện pháp quản lý, phòng ngừa tai nạn hoặc huy động khi có tình huống xảy ra.

"Thực tế, đối với những bến đò có lượng khách đông, UBND một số xã, phường đã phát triển mô hình tổ tự quản, giúp địa phương nâng cao năng lực quản lý, giám sát, không cho các bến hoạt động khi chưa được cấp phép, chủ phòng ngừa tai nạn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách tại các bến đò ngang. Trong thời gian xảy ra thiên tai, bão, lũ, hình thái thời tiết xấu, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến để bảo đảm an toàn" - Thiếu tá Nguyễn Bá Ngự, Phó Trưởng phòng PC68 nói.

Thiếu tá Nguyễn Bá Ngự cũng cho biết, trong mùa mưa bão 2017, tại các bến đò ngang PC68 sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bến đò không phép, phương tiện không có chứng nhận, đăng ký, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chở quá số người quy định, hành khách không mặc áo phao... Tuy nhiên, để việc tuân thủ quy định đi vào nền nếp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các địa phương có bến đò đang hoạt động; quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ trách nhiệm kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh cánh nỗi lo mỗi chuyến đò

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.