Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần công bằng, công khai và minh bạch

Tuấn Khải| 24/07/2017 07:16

(HNM) - Qua những văn bản của Bộ GT-VT đã ban hành liên quan đến City Tour thời gian qua cho thấy, dường như, còn thiếu sự công bằng, công khai và minh bạch trong câu chuyện thí điểm này?

Xe buýt hai tầng trong ngày thử nghiệm ở Hà Nội.


Vừa thử nghiệm đã bị “tuýt còi”

Ngày 30-6-2017, chiếc xe buýt 2 tầng đầu tiên của Hà Nội chạy thử nghiệm lộ trình phục vụ du lịch Thủ đô theo chủ trương của Chính phủ và Bộ GT-VT, chính thức lăn bánh trong sự hào hứng, ngạc nhiên của người dân. Sau bước thử nghiệm, các cơ quan chức năng của thành phố đang hoàn thiện mô hình để phấn đấu vào cuối quý III-2017, sẽ có thêm một sản phẩm du lịch mới nhằm quảng bá và tạo động lực phát triển Thủ đô.

Cùng trong danh sách 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh) được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm mô hình City Tour, Đà Nẵng đã vận hành thử nghiệm đoàn phương tiện gồm 15 chiếc xe buýt 2 tầng phục vụ du lịch kể từ ngày 15-7-2017. Trong 2 tháng thử nghiệm, du khách và người dân địa phương được trải nghiệm miễn phí. Theo kế hoạch, City Tour của Đà Nẵng sẽ chính thức vận hành vào cuối tháng 9-2017.

Thế nhưng, ngày 19-7-2017, Bộ GT-VT ban hành Văn bản số 7958/BGTVT-VT yêu cầu các địa phương tạm thời chưa triển khai dự án cho đến khi Bộ có quyết định ban hành kế hoạch thí điểm (Hợp phần 1) dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc; và quyết định ban hành kế hoạch thí điểm (Hợp phần 2) dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đến cảng hàng không bằng xe ô tô khách 16-45 chỗ chất lượng cao, tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh. Lý do được Bộ đưa ra là chưa có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ một doanh nghiệp được thực hiện?

Chủ trương triển khai mô hình City Tour xuất phát từ đề xuất của Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân gửi Bộ GT-VT ngày 19-5-2016. Sau đó, Bộ GT-VT đã có văn bản xin ý kiến các bộ: Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đến ngày 20-7-2016, Bộ GT-VT có Văn bản số 8356/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đề xuất thực hiện dự án cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô góp phần phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, bao gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1 là City Tour và hợp phần 2 là sử dụng ô tô khách từ 16 đến 45 chỗ chất lượng cao để vận chuyển hành khách kết nối từ cảng hàng không đến trung tâm các thành phố lớn.

Từ báo cáo của Bộ GT-VT và ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương, ngày 6-12-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 2171/TTg-KTN đồng ý về nguyên tắc việc thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc và dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm đô thị đến các cảng hàng không bằng xe ô tô khách 16-45 chỗ ngồi chất lượng cao tại 7 tỉnh, thành phố trong thời gian 5 năm.

Ngay khi có ý kiến chấp thuận về nguyên tắc của Chính phủ, ngày 13-12-2016, Bộ GT-VT ban hành tiếp Văn bản số 14850/BGTVT-VT trong đó có nội dung: Để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2171/TTg-KTN, đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ GT-VT trong việc tổ chức và quản lý thí điểm loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ô tô của Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân; đồng thời không phát sinh tăng các đơn vị thí điểm khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Với văn bản này Bộ đã mặc định Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân là doanh nghiệp duy nhất thực hiện mô hình City Tour và dịch vụ đưa đón sân bay tại 7 tỉnh, thành phố trong vòng 5 năm.

Có ý kiến cho rằng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tham mưu, Bộ GT-VT có trách nhiệm đưa ra các hướng dẫn về tiêu chuẩn phương tiện, dịch vụ và các điều kiện để tổ chức loại hình này. Các địa phương lựa chọn doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trên cơ sở các quy định cụ thể của Chính phủ, Bộ GT-VT. Và thực tế, sau khi Chính phủ có chủ trương, một số doanh nghiệp tại Hà Nội và Đà Nẵng đã chuẩn bị kế hoạch, đầu tư phương tiện để triển khai theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và UBND TP Đà Nẵng. Vì vậy, việc Bộ GT-VT yêu cầu dừng thí điểm có thể gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và khiến tiến độ triển khai City Tour bị chậm trễ.

Công ty Liên doanh vận chuyển quốc tế Hải Vân là doanh nghiệp đầu tiên đề xuất dự án với Bộ GT-VT, nhưng thẩm quyền quyết định lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố. Nên chăng, dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện và kế hoạch triển khai của Bộ GT-VT, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu một cách công khai, minh bạch và công bằng để lựa chọn đơn vị thực sự có uy tín, bảo đảm cung cấp dịch vụ tốt với giá thành phù hợp. Đây cũng chính là nguyên tắc điều hành kinh tế của cơ chế thị trường!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần công bằng, công khai và minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.