Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa hoàn thành đã lún, nứt mặt đường

Thu Hằng| 25/07/2017 06:55

(HNM) - Dự án cải tạo, nâng cấp đường 419 (đoạn Km0+600 đến Km4+842) huyện Thạch Thất được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4435/QĐ-UBND ngày 22-9-2011 với tổng mức đầu tư (khái toán) trên 110 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Các điểm lún, nứt mặt đường đang được nhà thầu thi công khắc phục.


Dự án do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục theo quyết định phê duyệt, gồm: Móng, nền đường, lớp bê tông nhựa (lớp 1), hệ thống thoát nước ngang, hoàn trả mương thủy lợi, lát vỉa hè (đoạn qua khu dân cư)… Tuy nhiên, trong quá trình thi công, tại đoạn Km2+650 đến Km2+900 qua địa phận xã Đại Đồng đã xảy ra hiện tượng mặt đường bị lún, nứt ở một số điểm, khiến người dân bức xúc.

Quan sát của phóng viên Báo Hànộimới tại khu vực triển khai dự án, đoạn qua xã Đại Đồng cho thấy có gần chục điểm xảy ra lún, nứt mặt đường. Hiện nay nhà thầu thi công tiến hành khắc phục với nhiều bãi trám, vá liền nhau. Một người dân xã Đại Đồng sống giáp mặt đường 419 (xin giấu tên) cho biết: Dự án đang thi công mà đã bị lún, nứt nên chúng tôi rất lo chất lượng mặt đường sau này sẽ bị ảnh hưởng...

Giải thích về tình trạng lún, nứt mặt đường khi dự án chưa hoàn thành, ông Phùng Khắc Sơn, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất cho biết: Nguyên nhân chính gây lún, nứt mặt đường do trong quá trình thi công móng, nền đường ở một số đoạn gặp thời tiết xấu (mưa nhiều), nhưng dự án vẫn phải đáp ứng việc lưu thông của các phương tiện, đồng thời bảo đảm tiến độ nên không tránh khỏi tình trạng ẩm cục bộ lớp cấp phối ở một số đoạn. Hơn nữa, đây là công trình phải tận dụng 80% đất nền đường cũ để làm nền; trong khi đó xe quá trọng tải đi lại hằng ngày trên tuyến đường này rất nhiều cũng là nguyên nhân gây lún, nứt mặt đường. Cũng theo ông Sơn, hiện tượng lún, nứt mặt đường khi dự án đang thi công không ảnh hưởng đến chất lượng công trình nếu nhà thầu thi công bóc, xử lý lún theo đúng quy trình kỹ thuật.

Được biết, ngay sau khi phát hiện hiện tượng lún, nứt mặt đường tại một số điểm (đoạn qua xã Đại Đồng), người dân có ý kiến, đại diện chủ đầu tư dự án đã yêu cầu nhà thầu thi công tiến hành cắt lớp thảm 1, đào cốt liệu, xử lý phần cốt nền, lu lèn, đến khi bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mới được thảm lại. Đại diện nhà thầu thi công - Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng khẳng định: Việc xử lý hiện tượng lún, nứt mặt đường là kỹ thuật rất bình thường trong quá trình thi công, bảo hành dự án, nên không ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này. Sau khi xử lý xong, nhà thầu thi công sẽ thảm bù phụ lại lớp 1, sau đó sẽ thảm bê tông nhựa lớp 2 và hoàn thành nốt các hạng mục của dự án theo quyết định được phê duyệt.

Đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công đều khẳng định hiện tượng lún, nứt mặt đường không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, song một số ý kiến người dân cho rằng do công tác khảo sát, đánh giá nền đường cũ và địa chất cũng như biện pháp xử lý thi công chưa tốt nên mới dẫn đến tình trạng trên. Thiết nghĩ, với một tuyến đường được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng thi công chưa xong đã phải “trám, vá” thì việc người dân bức xúc là điều dễ hiểu. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây lún, nứt mặt đường để có biện pháp khắc phục bảo đảm tuổi thọ lâu dài của công trình, tránh tình trạng dự án đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã phải sửa chữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa hoàn thành đã lún, nứt mặt đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.