Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng tình trạng chậm, hủy chuyến

Lương Ninh Giang| 04/08/2017 06:53

(HNM) - Trước tình trạng chậm, hủy chuyến gia tăng trong thời gian gần đây, Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã đề nghị các hãng điều chỉnh lịch khai thác phù hợp với nhu cầu và tăng cường năng lực điều hành.


Hành khách chờ đợi do bị trễ chuyến bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bạch Dương


Thị trường tăng trưởng mạnh

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường hành khách hàng không tiếp tục có sự tăng trưởng cao, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay đã đạt 30,3 triệu khách, tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2016. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 46,3 triệu lượt, tăng 17,5%. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 21,8 triệu hành khách, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mặc dù đã có những nỗ lực nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, song tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ có chiều hướng gia tăng. Ông Nguyễn Nam Tiến, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, 6 tháng qua, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific có 13.493 lượt chuyến bay chậm khởi hành hơn 15 phút (chiếm tỷ lệ 24,09%). Trong đó, Vietjet Air dẫn đầu khi có tới 6.682 chuyến bay bị chậm (chiếm tỷ lệ 43,42%). Tiếp đó là Jetstar Pacific với 2.370 chuyến (32,93%), Vietnam Airlines với 1.811 chuyến (10,46%) và cuối cùng là Vasco với 143 chuyến (8,01%). Các hãng quốc tế là 2.087 lượt chuyến chậm (17,38%).

Cùng thời gian trên, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng liên tục ghi nhận việc tăng đột biến số lượng các chuyến bay bị chậm chuyến, nhất là trong tháng 6-2017. Cụ thể, thống kê từ ngày 1-6 đến ngày 15-6 cho thấy, Vietjet Air chậm tới 435 chuyến trên tổng số 1.094 chuyến (chiếm tỷ lệ 39,8%); trong đó, có 425 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không (tỷ lệ 97,7% so với tổng số các chuyến chậm). Vietnam Airlines có số chuyến bay chậm 191 chuyến trên tổng số 1.489 chuyến (12,8%); trong đó, 180 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không. Jetstar Pacific chậm 64 chuyến trên tổng số 244 chuyến (26,2%); trong đó, có 61 chuyến bị chậm vì lý do khai thác của hãng hàng không.

Phải điều chỉnh lịch khai thác

Trước tình trạng tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao, cả hai cảng hàng không trọng điểm là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đã đề nghị các hãng điều chỉnh lịch khai thác phù hợp với nhu cầu và tăng cường năng lực điều hành; tăng cường kiểm soát máy bay, đặc biệt là các chuyến bay quay đầu quốc tế, nội địa và ngược lại.

Lý giải về tình trạng chậm, hủy chuyến bay gia tăng thời gian qua, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho rằng, trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, những diễn biến phức tạp về thời tiết tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Cần Thơ... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hãng hàng không nói chung và Vietjet Air nói riêng. 

Ngoài nguyên nhân khách quan thì vẫn phải thừa nhận, việc hạn chế về năng lực phục vụ mặt đất cũng là lý do dẫn đến chậm, hủy chuyến. Mặc dù hãng này đã đầu tư thêm trang thiết bị, tuyển thêm nhân lực, nhưng tình trạng thiếu cục bộ vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của hãng. Để giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến, đặc biệt trong các giai đoạn cao điểm, Vietjet Air đã bổ sung thêm 5 máy bay A320, nâng tổng số máy bay khai thác trong dịp cao điểm hè lên 46 chiếc; tuyển bổ sung 70 nhân viên làm việc thêm giờ tại các cảng hàng không... Bên cạnh đó, Vietjet Air kiến nghị Bộ GT-VT, Cục Hàng không Việt Nam rà soát việc thực hiện nhằm nâng cao năng lực thông qua tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có việc sử dụng chung quầy làm thủ tục, cửa ra máy bay. Các cảng hàng không tiếp tục nâng cao năng lực, bổ sung trang thiết bị, máy soi chiếu an ninh và nhân lực phục vụ; kéo dài thời gian hoạt động của các sân bay.

Để giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các cảng hàng không bố trí đủ nhân lực, phương tiện bảo đảm công tác an ninh, soi chiếu người, hành lý trong các khung giờ cao điểm. Đồng thời, yêu cầu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí hợp lý mặt bằng nhà ga hành khách, bảo đảm lưu thông tại các khu vực làm thủ tục trong nhà ga, bố trí hệ thống máy soi chiếu an ninh; yêu cầu các hãng hàng không bố trí 10% năng lực số lượng máy bay khai thác làm dự phòng, ứng phó với các tình huống bất thường gây chậm, hủy chuyến. Đồng thời, hành khách đi máy bay cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các hãng để có thể chủ động công việc của mình.

Thời gian chậm chuyến hiện được Cục Hàng không Việt Nam thống kê theo 3 khung thời gian, cụ thể là các chuyến bay chậm trên 15 phút đến 1 giờ, trên 1 giờ đến 3 giờ và trên 3 giờ. Chủ yếu số chuyến bay chậm nằm trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 1 giờ, với tỷ lệ 91,3%; trên 1 giờ đến 3 giờ có tỷ lệ 6% và trên 3 giờ là 2,7%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng tình trạng chậm, hủy chuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.