Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không còn “vùng trắng” xe buýt có trợ giá

Tuấn Lương| 23/08/2017 06:42

(HNM) - Ứng Hòa và Mỹ Đức là 2 địa phương cuối cùng trong số 30 quận, huyện, thị xã được sử dụng dịch vụ xe buýt có trợ giá sau khi Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội khai trương một loạt tuyến buýt mới ngày 19-8. Như vậy, đến thời điểm này, toàn bộ các trục đường kết nối ngoại thành với trung tâm TP Hà Nội đã có xe buýt được trợ giá.

Với mạng lưới xe buýt có trợ giá “phủ kín”, người dân ngoại thành Hà Nội thêm thuận tiện khi đi lại. Ảnh: Viết Thành


Đáp ứng nhu cầu đi lại

Sau Sóc Sơn, Thanh Oai, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên..., sáng 19-8, ba tuyến buýt trợ giá của thành phố đã tới thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) trong niềm phấn khởi của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Đây là 2 địa phương cuối cùng trong số 30 quận, huyện của TP Hà Nội được sử dụng dịch vụ xe buýt có trợ giá với tiêu chuẩn chất lượng cao.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chia sẻ: Người dân Mỹ Đức làm ăn và học tập ở trung tâm thành phố rất đông, nên nhu cầu đi lại của nhân dân rất lớn. Hiện nay, trên địa bàn mới có 2 tuyến xe buýt tư nhân hoạt động theo mô hình xã hội hóa và chỉ phục vụ chủ yếu theo trục quốc lộ 21B, nên khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại còn hạn chế, đặc biệt với nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như: Đại Hưng, Vạn Kim, Hương Sơn...

Nguyện vọng của nhân dân là được hưởng chính sách trợ giá của thành phố khi đi lại bằng xe buýt như các địa phương khác. Việc đưa tuyến buýt mới 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn) vào hoạt động đã giúp nhân dân huyện Mỹ Đức nói chung, xã Hương Sơn nói riêng, cũng như du khách thập phương đến tham quan chùa Hương và các điểm du lịch của địa phương sẽ được sử dụng dịch vụ xe buýt chất lượng cao và có trợ giá.

Cùng với đó sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực nội đô Hà Nội bằng việc hạn chế phương tiện cá nhân từ các huyện phía Nam vào trung tâm thành phố. Huyện cũng đề nghị Tổng công ty Transerco mở thêm các tuyến buýt gom nội bộ, đồng thời cam kết phối hợp với các đơn vị vận hành phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh trật tự… và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tuyến buýt 103 đi qua địa bàn hoạt động thuận lợi. Tuyến buýt mới và các tuyến xã hội hóa trước đó sẽ cùng hoạt động, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân, giúp họ có thêm sự lựa chọn.

Là hành khách đầu tiên lên xe tuyến 102 (Bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), bà Nguyễn Thị Tỉnh (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cho biết, trước đây mỗi lần có việc lên Hà Đông, bà phải bắt xe buýt tuyến số 78, với giá vé 20.000 đồng/lượt. Nay được đi xe rộng rãi, có điều hòa mát, chỉ mất 9.000 đồng/lượt. Không chỉ có xe đi Yên Nghĩa, từ thị trấn Vân Đình nay còn thêm cả xe buýt trợ giá tuyến 101 đi bến xe Giáp Bát nữa, rất thuận tiện!

Các tuyến mới đã hoạt động ổn định


Tuyến xe buýt đi huyện Mỹ Đức đã được đưa vào hoạt động.


Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở GT-VT Hà Nội), ngay từ khi mới thực hiện sáp nhập địa giới hành chính (tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, một số xã thuộc tỉnh Hòa Bình về Hà Nội năm 2008), lãnh đạo thành phố đã rất quan tâm việc mở rộng vùng phục vụ của xe buýt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Việc mở rộng vùng phục vụ đến thời điểm này đã cơ bản hình thành được các tuyến trục kết nối khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố. Hiện tại, toàn bộ các trục đường kết nối đã có xe buýt được trợ giá hoạt động. Các tuyến buýt nói trên luôn có số lượng hành khách rất lớn cho thấy chủ trương đúng đắn của thành phố phù hợp với mong muốn của nhân dân và góp phần đáng kể việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân đi vào trung tâm thành phố.

Việc mở rộng vùng phục vụ đã phát sinh chi phí vận hành, kéo theo nhu cầu trợ giá từ ngân sách khá lớn, song thành phố vẫn quyết tâm thực hiện. Đây cũng là mục tiêu nằm trong đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" đã được thành phố phê duyệt, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp vận tải công cộng và Tổng công ty Transerco thực hiện.

Đánh giá về các tuyến buýt ở khu vực ngoại thành thời gian qua, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco nhận định, riêng trong năm 2016, Transerco đã mở mới 7 tuyến buýt, trong đó 2 tuyến kết nối đến các khu đô thị trung tâm; 3 tuyến mở rộng vùng phục vụ đến các huyện ngoại thành và khu đô thị vệ tinh chưa có xe buýt trợ giá như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Xuân Mai, Hòa Lạc... Từ đầu năm 2017 đến nay đã đưa xe buýt vào vận hành tới các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Oai, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên...

Đồng thời, Transerco tích cực đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Bước đầu, các tuyến buýt mới đã hoạt động ổn định. Các chỉ tiêu về chuyến lượt, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, số lượng hành khách tiếp tục có chiều hướng gia tăng, được các cấp chính quyền và nhân dân đánh giá tích cực. Cho đến thời điểm này, Transerco đã hoàn thành mục tiêu phủ kín mạng lưới xe buýt trợ giá đến tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố. Đây là một kết quả có ý nghĩa xã hội sâu sắc trong quá trình phát triển của thành phố, khẳng định quyết tâm không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô.

Ba tuyến buýt số 101, 102 và 103 sử dụng phương tiện màu sơn vàng, đỏ truyền thống, với đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như đèn led, wifi, GPS kết nối âm thanh tự động, sử dụng công nghệ truyền dẫn tốc độ cao cho phép cập nhật hệ thống âm thanh từ trung tâm, tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành và kiểm soát xe hoạt động trên tuyến; giúp việc cập nhật thông tin thay đổi dịch vụ đến với hành khách nhanh, thuận tiện.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không còn “vùng trắng” xe buýt có trợ giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.