Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuống cấp và mất an toàn giao thông

Gia Bảo| 04/09/2017 07:10

(HNM) - Hằng năm, TP Hồ Chí Minh đầu tư nguồn ngân sách không nhỏ phục vụ công tác duy tu, nâng cấp các tuyến đường cửa ngõ thành phố. Thế nhưng, chỉ đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, các tuyến đường này đã bị xuống cấp, khiến cho việc đi lại của người dân khó khăn, gây mất an toàn giao thông.

Một số tuyến đường cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh xuống cấp nghiêm trọng.


Chằng chịt "ổ gà, ổ voi"

Theo ghi nhận, tại khu vực Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, một số tuyến đường hiện đang bị xuống cấp và hư hỏng khá trầm trọng. Cụ thể, tại địa bàn quận 2, trên tuyến đường Võ Chí Công (từ trạm thu phí cầu Phú Mỹ đến vòng xoay Mỹ Thủy), một số vị trí xuất hiện "ổ gà" tạo thành vũng nước, trong khi lưu lượng xe tải, xe container qua lại tấp nập khiến mặt đường càng nhanh bị xuống cấp.

Tại đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ Cảng Cát Lái đến vòng xoay Mỹ Thủy), mặt đường cũng nham nhở đất đá, khiến người đi đường luôn nơm nớp lo sợ. Nghiêm trọng hơn, tại hai tuyến đường dưới gầm cầu Phú Mỹ vẫn đang là đường đất, do mưa thường xuyên cùng với việc xe tải qua lại nhiều khiến cho mặt đường lún sâu tạo thành những "ổ voi", có những đoạn mặt đường lầy lội, người dân qua đây có thể ngã bất cứ lúc nào.

Tương tự, tại địa bàn quận 9, các tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (đoạn gần khu vực đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam…, cũng đang bị xuống cấp. Một số vị trí hai bên đường bị nứt và trồi sụt, mặt đường hẹp, trong khi lượng phương tiện đi lại đông đúc trên cả hai chiều, nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Tại quận Thủ Đức, tuyến Xa lộ Hà Nội (đoạn trước cổng Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng về cầu Đồng Nai), nhiều đoạn mặt đường lồi lõm, lún theo kiểu lượn sóng, khiến cho xe cộ đi lại khó khăn, đặc biệt nguy hiểm mỗi khi chuyển làn.

Được biết, hiện nay hầu hết các tuyến đường nằm trên địa bàn cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh đều không có hệ thống thoát nước, cộng với xe tải nặng, container, hoạt động thường xuyên nên mặt đường nhanh bị xuống cấp. Ví dụ như các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam, Liên Phường, Nguyễn Văn Tăng, Lã Xuân Oai, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Đỗ Xuân Hợp, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Cảnh, Phan Văn Trị… Để bảo đảm giao thông, tránh ùn ứ trên các tuyến đường này, việc duy tu, sửa chữa cần được thực hiện nhanh chóng và kịp thời.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tình trạng trên, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh) cho biết, tuyến đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ Cảng Cát Lái đến vòng xoay Mỹ Thủy) do lưu lượng xe tải, xe container lưu thông đông để vào Cảng Cát Lái vượt quá khả năng khai thác của tuyến đường nên hư hỏng khá nặng dù thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Hiện Sở Giao thông - Vận tải đang lập dự án để tiếp tục sửa chữa tuyến đường này.

Tuyến Xa lộ Hà Nội (đoạn trước cổng Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng về cầu Đồng Nai) đã giao cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố thực hiện dự án mở rộng, nằm trong dự án BOT Xa lộ Hà Nội.

Một số tuyến đường như Đỗ Xuân Hợp (đoạn gần khu vực đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), hiện Khu 2 đang trình Sở Giao thông - Vận tải thẩm định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng. Tuyến đường Lương Định Của đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng kế hoạch đề ra nên chỉ thi công một số vị trí "đất sạch". Hiện Khu 2 đang phối hợp với UBND quận 2 đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhanh chóng hoàn thành dự án.

Về hai tuyến đường dưới gầm cầu Phú Mỹ nằm trong phạm vi của dự án BOT cầu Phú Mỹ do Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư và đang đề xuất Sở Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, một số dự án đang trình Sở Giao thông - Vận tải xem xét, phê duyệt như dự án mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; nâng cấp mở rộng đường Liên Phường… Một số dự án đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp, mở rộng như: Đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái); đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy)...

Trong thời gian tới, Khu 2 sẽ lập kế hoạch và trình cấp thẩm quyền thẩm định, thông qua chủ trương đầu tư, nâng cấp các tuyến đường xuống cấp nhằm phục vụ nhu cầu giao thông trong khu vực như: Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam...

Theo ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu 2, nguồn kinh phí và hình thức đầu tư cho các dự án nâng cấp các tuyến đường cửa ngõ đang bị xuống cấp sẽ được tính toán khi được thông qua chủ trương đầu tư. Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, phát triển nâng cao khả năng vận tải, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, cải thiện môi trường sống trong khu vực lân cận. Tuy nhiên, theo ông Hùng, khó khăn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn.

Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm ở Đông Bắc TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng thời gian tới gồm: Cầu qua đảo Kim Cương (đường ven sông Sài Gòn); cầu Bà Cua - nhánh phải trên đường Vành đai phía Đông; cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến Vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc); cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên đường Xa lộ Hà Nội; tuyến đường kết nối từ Cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuống cấp và mất an toàn giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.