Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết “bẫy” trên đường?

NGUYỄN LÊ| 09/10/2017 07:06

(HNM) - Không chỉ ngoại thành, ngay cả những tuyến đường ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, tình trạng xây dựng, tái lập mặt đường cẩu thả của các đơn vị thi công... đã gây mất mỹ quan đô thị và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.



Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện đang bị đào bới để thực hiện các dự án lắp đặt công trình ngầm, hệ thống thoát nước. Dạo một vòng qua các quận trung tâm, không khó để bắt gặp nhiều tuyến đường chưa kịp tái lập hoặc tái lập rất cẩu thả, mấp mô… làm mất mỹ quan đô thị và gây mất an toàn giao thông. Đơn cử, tại tuyến đường được xem là đắt đỏ nhất TP Hồ Chí Minh là Đồng Khởi (quận 1), đoạn gần giao cắt với đường Tôn Đức Thắng do chưa kịp tái lập nên đơn vị thi công phải rải nhiều tấm thép phủ trên mặt đường mà không cảnh báo. Nhiều phương tiện qua đây không kịp phát hiện từ xa để giảm tốc độ. Điều này rất nguy hiểm khi trời mưa khiến mặt đường bị trơn trượt.

Còn tại khu vực ngoại thành, tại quốc lộ 1 (đoạn qua quận 12) có tới 3 dự án thi công với nhiều nhà thầu khác nhau. Các nhà thầu thi công cẩu thả, mặt đường ngổn ngang đất, đá, nắp hố ga lộ thiên, không có biển báo, rào chắn... gây nguy hiểm cho người đi đường. Đây là tuyến đường huyết mạch, mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, nhiều xe tải trọng nặng, tốc độ lưu thông cao nên nguy cơ mất an toàn luôn rình rập.

Được biết, hiện trên địa bàn thành phố có đến 120 "lô cốt" thi công lắp đặt công trình ngầm trên 56 tuyến đường. Trước đó, mặc dù các đơn vị chức năng đã kiểm tra, xử phạt nhưng nhiều nhà thầu thi công vẫn chây ỳ, vi phạm an toàn xây dựng. Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2017, cơ quan này đã phát hiện 575 vụ vi phạm và đã lập biên bản, xử phạt hơn 4 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, có thể thấy các lỗi vi phạm của đơn vị thi công chủ yếu là thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo theo quy định; để vật liệu, đất đá, phương tiện thi công ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; không thu dọn các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác và không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong... Ngoài ra, nhiều nhà thầu khi thi công đào đường, lắp đặt ngầm đường điện, cấp nước, viễn thông cũng không tái lập mặt đường như hiện trạng ban đầu mà để thấp hoặc cao hơn, tạo thành các "bẫy" nguy hiểm cho người đi đường.

Trong thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ có những biện pháp mạnh để xử lý tình trạng vi phạm trong thi công, tái lập mặt đường và bàn giao mặt bằng các công trình thiết yếu trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp đơn vị nào cố tình trì hoãn việc tái lập mặt đường như hiện trạng ban đầu, Sở sẽ xem xét không tiếp tục cấp phép thi công; đặc biệt đối với các dự án thi công ống cấp nước, thoát nước và ngầm hóa lưới điện kết hợp viễn thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, để xử lý các sai phạm liên quan đến công tác đào, thi công công trình và tái lập mặt đường, Sở thực hiện theo Quyết định 09/2014/QĐ-UBND ban hành quy định về thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, nếu nhà thầu vi phạm từ ba lần trở lên sẽ bị đình chỉ và không tiếp tục cấp phép thi công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết “bẫy” trên đường?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.