Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab: Cần một "phán xử" công bằng

Tuấn Lương| 14/10/2017 07:25

(HNM) - Trước việc một số hãng taxi truyền thống dán đề can, biểu ngữ phản đối Đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Bộ GT-VT đối với Uber, Grab, một số ý kiến nhận xét, việc làm tự phát này có khả năng dẫn đến vi phạm Luật Cạnh tranh...


Việc phải tuân thủ nhiều quy định được cho là giảm khả năng cạnh tranh của taxi truyền thống. Ảnh: Anh Tuấn


Phản đối tự phát gây phản cảm

Khoảng 1 tháng nay, xe của một số hãng taxi tại Hà Nội như: Mai Linh, Thanh Nga, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô, Thành Lợi... đồng loạt dán đề can, biểu ngữ phản đối Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GT-VT với các nội dung: "Yêu cầu Uber, Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh". Gay gắt hơn, xe của Hãng taxi Hoàn Kiếm trưng biểu ngữ: "Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm Quyết định 24 của Bộ GT-VT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông"; biểu ngữ của Hãng taxi Vina thắc mắc: "50.000 xe thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GT-VT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy, ngân sách thất thu ở đâu?"...

Sau Hà Nội, "làn sóng" phản đối Uber, Grab đã lan tới TP Hồ Chí Minh với việc hàng loạt taxi của Hãng Vinasun đồng loạt dán đề can, biểu ngữ. Dù chỉ dán ở đuôi xe, nhưng việc làm của các hãng đã gây phản cảm ngay cả đối với hành khách đi xe. Ông Phan Mạnh Tuấn (ngõ 670 Nguyễn Khoái, Hà Nội) chia sẻ: "Những điều tiếng không tốt từ trước đến nay như tranh khách, chạy lòng vòng gian lận cước... hầu hết đều rơi vào taxi truyền thống. Các hãng thay vì phản đối hãy tập trung nâng cao chất lượng, giảm giá cước để thu hút khách hàng trở lại. Sự phản đối vừa qua chính là thể hiện sự bất lực của chính họ".

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc dán khẩu hiệu trên là hành động tự phát của các doanh nghiệp taxi, Hiệp hội không có chủ trương này. Tài xế thấy quyết định trên ảnh hưởng tới quyền lợi của họ thì họ dán để vừa phản đối quyết định, vừa như một cách biểu thị ý kiến đến dư luận xã hội.

Khó quản vì đang thí điểm

Ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, ngày 29-9 Sở đã có Văn bản số 4261/SGTVT-QLVT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi tháo bỏ toàn bộ các biểu ngữ phản đối mang tính chất phản cảm; tuyên truyền đến đội ngũ lái xe của đơn vị không tham gia tụ tập đông người và phương tiện tại những địa điểm công cộng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, phải thực hiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Tuyển, Hà Nội cũng muốn đưa Uber, Grab vào quản lý, nhưng đang gặp khó khăn bởi loại hình này vẫn trong giai đoạn thí điểm (kết thúc vào tháng 1-2018). Thành phố đang chờ các ngành chức năng đưa hình thức kinh doanh vận tải này vào các nghị định, thông tư liên quan để có các biện pháp quản lý phù hợp.

Một số ý kiến cho rằng, trên góc độ pháp lý, các hãng taxi truyền thống được quyền bày tỏ quan điểm phản đối của mình đối với taxi công nghệ, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Nếu những thông tin được taxi truyền thống đưa ra thông qua các đề can, băng rôn mà thiếu căn cứ, không đúng sự thật đối với hoạt động kinh doanh của Uber, Grab… thì có thể vi phạm Điều 43 Luật Cạnh tranh, về hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi này có thể chịu xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền; ngoài ra có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… Thay vào đó, nếu có đủ cơ sở, căn cứ chứng minh các hãng taxi công nghệ vi phạm trong quá trình hoạt động thì có thể khiếu nại, khiếu kiện đến các cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cơ quan quản lý cần tạo ra một môi trường bảo đảm quyền tự do kinh doanh và được cạnh tranh công bằng. Cho phép Uber, Grab hoạt động là cho phép những thay đổi, cải cách trong kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng đòi hỏi sự thay đổi đột ngột với taxi truyền thống khi mà chưa có những cơ chế cởi mở ngang bằng với Uber, Grab hẳn là điều nên cân nhắc. Vì thế, các địa phương cần sớm có những biện pháp quản lý mới để đáp ứng kịp thời việc quản lý nhà nước tại địa phương đối với loại hình kinh doanh taxi dựa trên nền tảng công nghệ, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab.

Liên quan đến kiến nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, loại hình vận tải có sử dụng công nghệ về quản lý vận tải và kết nối đã phổ biến ở nước ta vài năm nay. Không chỉ Uber, Grab mà thực tế đang có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối. Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm và đang triển khai ở các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, thành phố quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, trong đó quản lý từ quy hoạch gồm quy hoạch phát triển hạ tầng, quy hoạch quản lý số lượng xe... Từ đó xác định số lượng xe phân bổ để tổ chức tốt nhất trong đô thị. Việc kiểm soát số lượng cho từng loại hình nào là thẩm quyền của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab: Cần một "phán xử" công bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.