Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí đỗ xe qua điện thoại tại TP Hồ Chí Minh: Vì sao người dân chưa mặn mà?

Gia Bảo| 03/11/2017 07:31

(HNM) - Sau hơn 10 ngày triển khai, người dân tỏ ra không mặn mà với hình thức này vì còn nhiều bất cập trong quá trình sử dụng.

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng thanh toán phí đậu xe qua điện thoại. Nguồn: Sở GTVT TPHCM


Để thực hiện thí điểm, UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Giao thông - Vận tải và UBND quận 1 phối hợp cùng Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) triển khai thí điểm ứng dụng My Parking. Phạm vi thực hiện tại 3 tuyến đường thuộc địa bàn quận 1 gồm các phố: Lê Lai (khu vực trước khách sạn New World), Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh (khu vực 2 bên chợ Bến Thành), quy mô từ 150 đến 170 chỗ đỗ, kéo dài từ 7h đến 22h.

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố, ứng dụng My Parking giúp người dùng có thể tìm kiếm thông tin về bãi đỗ xe như: Số chỗ còn trống, lộ trình lưu thông đến vị trí bãi và có thể thanh toán trước phí đặt chỗ... Hiện ứng dụng này đều có trên cả hai hệ điều hành iOS và Android. Trong thời gian thí điểm, người dùng có thể thanh toán thuận tiện qua nhiều hình thức như: Nhắn tin SMS, qua ứng dụng Bankplus của Viettel hoặc trả phí bằng tiền mặt như truyền thống.

Theo ông Lê Đức Tuyến, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel TP Hồ Chí Minh, đây là giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đỗ xe, hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh trong quá trình thu phí đỗ xe. Ban đầu, sẽ tiến hành thu phí bằng vé truyền thống và qua ứng dụng để người dân quen dần. Thời gian đặt chỗ đỗ xe sẽ điều chỉnh giới hạn từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ nếu đặt trước qua ứng dụng, quá thời gian sẽ hủy vị trí đã đặt.

Mặc dù có nhiều tiện ích, nhưng theo ghi nhận thực tế sau hơn 10 ngày triển khai ứng dụng, người dân tỏ ra không mặn mà với ứng dụng này. Ông Võ Thành Hải, một khách đỗ xe cho hay, trong bối cảnh thiếu trầm trọng bãi đỗ xe ô tô khu vực nội đô việc sắp xếp các bãi đỗ xe có thu phí rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, do chưa quen dùng ứng dụng nên nhiều người vẫn lấy vé trả tiền trực tiếp. Chưa kể, khi đặt chỗ trước qua ứng dụng phải căn đúng giờ nếu không sẽ mất chỗ, trong khi với tình trạng đường sá thường xuyên tắc nghẽn như hiện nay thì giải pháp này không khả thi.

Một người sử dụng khác là anh Phạm Văn Trung cho biết, nhận ứng dụng thu phí qua điện thoại có nhiều điểm đáng ghi nhận như: Biết được tình trạng bãi đậu xe còn trống hay không, địa điểm bãi đỗ, vị trí xe trong bãi đỗ... Tuy nhiên, để nói tiện lợi thì thu phí truyền thống vẫn tin dùng hơn vì chỉ cần đến bãi đỗ xe trả tiền trực tiếp cho nhân viên thu vé là xong, không cần mất thời gian thực hiện các thao tác đặt chỗ, thanh toán tiền qua điện thoại.

Theo phản ánh của nhiều tài xế, những vị trí thực hiện thí điểm thu phí đỗ xe qua điện thoại có nhu cầu gửi xe dưới lòng đường rất lớn và luôn kín chỗ. Do đó, khi dùng ứng dụng đặt chỗ và thanh toán qua điện thoại, nếu giữ chỗ trống quá lâu sẽ khiến nhiều xe ở gần bãi đỗ có nhu cầu lại không được gửi, điều này cũng là một bất cập.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, khi kết thúc thí điểm, Sở cùng với các đơn vị liên quan sẽ đánh giá chi tiết về mặt được và chưa được, sau đó sẽ có báo cáo UBND thành phố xem xét. “Việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu phí đỗ xe ô tô là cần thiết, làm cơ sở để xem xét mở rộng trên phạm vi toàn thành phố. Đây cũng là một trong những giải pháp tổng thể, đồng bộ và khả thi nhằm nâng cao công tác quản lý thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô, sắp xếp trật tự lòng lề đường và góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông”, ông Cường nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu phí đỗ xe qua điện thoại tại TP Hồ Chí Minh: Vì sao người dân chưa mặn mà?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.