Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Công khai, minh bạch trong thu phí trông giữ xe

Hưng Thịnh| 24/01/2018 18:58

(HNMO) - Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, chiều 24-1, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức...


Một trong các giải pháp chống ùn tắc giao thông

Theo ông Vũ Văn Viện, những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô, xe gắn máy cao, trong khi, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng của phương tiện cá nhân, do đó đã tạo áp lực lớn đối với hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là khu vực trung tâm thành phố.

Trước thực trạng đó, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ trên hệ thống đường do thành phố quản lý sau đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND các quận, huyện và thị xã triển khai cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè đường, lòng đường không vào mục đích giao thông theo quy định.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 24-1.


Theo ông Vũ Văn Viện, để đảm bảo nhu cầu đỗ xe (giao thông tĩnh) trên địa bàn thành phố, bên cạnh việc khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, hiện đại, tập trung, sử dụng các tầng hầm để đỗ xe trong các tòa nhà và khu chung cư, thành phố Hà Nội vẫn phải sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe để đáp ứng nhu cầu dừng, đỗ xe của các tổ chức và cá nhân theo các quy định của pháp luật.

Ông Vũ Văn Viện cho biết thêm, đối với công tác trông giữ phương tiện tại lòng đường thực hiện Theo Thông tư 04/2008/TT-BXD ngày 20-02-2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn quản lý đường đô thị, cụ thể: Đường 1 chiều mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu 7,5 m đủ điều kiện để xe một bên, bên phải phần xe chạy; đường 2 chiều mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu 10,5 m cho phép để xe một bên; đường 2 chiều mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu 14,0m cho phép để xe hai bên...

Việc cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông phải bảo đảm giao thông thuận lợi, không ùn tắc, thuận tiện, an toàn cho người đi bộ, ông Vũ Văn Viện cho biết.

Tính đến ngày 31-12-2017, tổng số điểm trông giữ phương tiện giao thông dưới lòng đường, hè phố được Sở GTVT và UBND các quận cấp phép để trông giữ phương tiện giao thông là 653 điểm với tổng diện tích 124.977,7 m2. Trong đó, có 403 điểm trông giữ phương tiện giao thông có thu tiền và 250 điểm không thu tiền; đã cấp cho 336 tổ chức và cá nhân có nhu cầu trông giữ phương tiện giao thông (Sở GTVT cấp 237 điểm với diện tích 65.879,7 m2, UBND các quận cấp 416 vị trí với diện tích 59.117,91 m2).

Ưu tiên ứng dụng IPARKING

Theo ông Vũ Văn Viện, IPARKING là ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để phục vụ tìm kiếm, thanh toán giá dịch vụ trông giữ phương tiện và là lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam. Hình thức trông giữ xe IPARKING là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, người dùng có thể thanh toán giá trông xe qua hai cách qua ngân hàng (thẻ) và qua mạng viễn thông (đầu số tin nhắn 9556 với các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile… Người dùng qua điện thoại thông minh có thể tìm vị trí điểm đỗ, thông tin chi tiết điểm đỗ (giá trông giữ, thời gian hoạt động).

Do đó, Hà Nội triển khai Dự án IPARKING nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động trông, giữ xe ô tô tại các điểm đỗ xe dưới lòng đường; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đỗ xe dưới lòng đường thuộc địa bàn thành phố; công khai, minh bạch các vị trí dừng đỗ, mức giá dịch vụ trông giữ phương tiện.

Việc ứng dụng trông giữ xe thông minh IPARKING đã đạt hiệu quả, đảm bảo sự minh bạch, kiểm soát được doanh thu… Bên cạnh việc người dân có thể đỗ xe và thanh toán online, sau này IPARKING sẽ còn nhiều tiện ích khác, các bãi đỗ xe sẽ được đưa vào bản đồ số trực tuyến, sẽ kết nối các bãi đỗ xe của các trung tâm, các tòa nhà với bản đồ số của thành phố.

Hà Nội ưu tiên ứng dụng công nghệ IPARKING để minh bạch, công khai dịch vụ trông giữ xe, hướng tới một "thành phố thông minh". (Ảnh minh họa)


Hơn nữa, thời gian tới, Hà Nội sẽ có bản đồ giao thông kết nối với giao thông tĩnh từ điện thoại, người dân có thể tìm được bãi đỗ xe nào còn trống một cách tốt nhất, thuận tiện nhất. Ngoài ra, nó còn có tác dụng xử lý được thông tin, thống kê được lượng đỗ xe ở các khu vực khác nhau. Trên cơ sở đó, phân tích được nhu cầu đỗ xe theo giờ, theo ngày, theo khu vực giúp các nhà đầu tư các công trình giao thông...


Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết thêm, trong thời gian thí điểm năm 2017, chi phí tin nhắn được các nhà mạng tài trợ miễn phí. Từ ngày 01-01-2018, giá dịch vụ trông giữ xe đã bao gồm chi phí tin nhắn của nhà mạng (10% giá dịch vụ) và được các nhà mạng khấu trừ ngay từ doanh thu trông giữ xe, sau đó nhà mạng chuyển chi phí còn lại cho đơn vị quản lý theo đầu số 9556.

UBND thành phố đã có văn bản giao cho đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần đầu tư CIS là đơn vị quản lý đầu số 9556 được ký hợp đồng với các nhà mạng. Đến nay, đơn vị mới ký được hợp đồng với nhà mạng Viettel, còn các nhà mạng khác (Vinaphone, Mobifone, Vietnammobile), đơn vị chưa ký được do chưa thống nhất được việc ghi nhận doanh thu, thanh toán và xuất hóa đơn thuế GTGT giữa nhà mạng. Mặc dù, hệ thống kỹ thuật của các nhà mạng Vinaphone, Mobifone đã nghiệm thu và sẵn sàng đưa vào sử dụng. Nội dung này còn nhiều vướng mắc cần xin ý kiến các cơ quan cấp trên (Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước),

Do đó, khi triển khai trong thực tế những ngày đầu tháng 1-2018 đối với hình thức thanh toán qua tin nhắn mới chỉ thanh toán được qua mạng viễn thông Viettel. Dẫn tới nhân viên trông giữ xe vẫn thu tiền mặt khi khách hàng có nhu cầu trông giữ là chưa đúng với bản chất và các quy định về trông giữ xe theo hình thức IPARKING. Khi khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, phương pháp thu lũy tiến theo giờ sẽ không đảm bảo công khai, minh bạch, có khả năng gây thất thoát (nếu doanh thu này không được hệ thống IPARKING đối soát).

Liên ngành GTVT, Tài chính và Cục thuế đã hướng dẫn các đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện thực hiện nộp phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố để trông giữ phương tiện và giá dịch vụ trông giữ xe theo Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND ngày 5-12-2017 của HĐND và Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15-12-2017 của UBND thành phố tại văn bản số 58/HDLN:GTVT-TC-CT ngày 19-1-2018. Cụ thể, đối với các điểm trông giữ xe tự động qua ứng dụng công nghệ thông minh IPARKING: Thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe bằng thẻ ngân hàng và tin nhắn điện thoại (không sử dụng tiền mặt để thanh toán).

Vé trông giữ xe phải được xé vé, cấp cho người gửi xe và quản lý qua hệ thống IPARKING. Mức giá dịch vụ trông giữ xe thực hiện tại mục III-Phụ lục của quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15-12-2017 (được áp dụng mức giá dịch vụ lũy tiến theo giờ, 1 lượt tối đa không quá 60 phút, quá 60 phút thu thêm lượt tiếp theo). Mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nộp ngân sách nhà nước sẽ được hệ thống ứng dụng tự động trích nộp về đơn vị thu phí bằng 30% doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.

Đối với các vị trí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện giao thông theo hình thức chưa ứng dụng công nghệ IPARKING: Mức giá dịch vụ trông giữ thực hiện tại mục I-Phụ lục của quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15-12-2017 (mức giá dịch vụ theo lượt, 1 lượt tối đa không quá 60 phút, quá 60 phút thu thêm lượt tiếp theo, không thu giá lũy tiến theo giờ). Mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nộp ngân sách nhà nước cho đơn vị thu phí theo mét vuông, cho từng khu vực được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ông Vũ Văn Viện cho biết, thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những bến, bãi trông giữ xe trái phép, không phép theo quy định của pháp luật, nhằm hướng tới sự minh bạch, công khai trong quản lý các bến bãi trông giữ xe, nhất là tại khu vực nội thành.

Năm 2017, nguồn thu ngân sách nhà nước từ các bãi trông giữ xe trên địa bàn thành phố khoảng 54 tỷ đồng. Dự kiến, khi áp dụng giá dịch vụ mới trong năm nay sẽ thu thêm khoảng 40 tỷ đồng (tức là tổng thu hơn 90 tỷ đồng). Song, quan trọng hơn, theo ông Vũ Văn Viện, tất cả là hướng tới sự minh bạch, công khai trong quản lý, hướng đến một “thành phố thông minh”, “chính quyền đô thị”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Công khai, minh bạch trong thu phí trông giữ xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.