Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm quy định về trông giữ phương tiện giao thông: Vì sao chưa thể xử lý triệt để?

Tuấn Lương| 16/04/2018 06:49

(HNM) - Sau khi thành phố quyết định tăng giá trông giữ phương tiện giao thông đã có một lượng không nhỏ chủ phương tiện chuyển từ những điểm trông giữ đã được cấp phép sang điểm trông giữ tự phát của tư nhân do mức giá thấp hơn.

Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới hình thành các điểm trông giữ phương tiện tự phát, không phép ở các bãi đất trống, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Bãi trông giữ xe không phép tại Vườn hoa Diên Hồng (phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Anh Tuấn


Vẫn nhiều vi phạm

Nhằm từng bước đưa hoạt động trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố vào khuôn khổ, thời gian qua, lực lượng liên ngành đã tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra và xử lý các điểm, bãi trông giữ xe không phép, sai phép, thu tiền không đúng quy định; kiên quyết xử lý, giải tỏa các bãi trông giữ xe trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông, đô thị, gây bức xúc dư luận.

Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết, cùng với việc chỉ đạo các Đội thanh tra chuyên ngành và Đội quản lý địa bàn thống kê, rà soát các điểm trông giữ phương tiện, Thanh tra Sở GT-VT đã tích cực phối hợp với các lực lượng liên ngành và các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý những điểm vi phạm quy định về tài chính, phí, lệ phí trông giữ phương tiện. Việc này được đặc biệt tập trung tại địa bàn các quận, như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa… và nơi tổ chức sự kiện văn hóa, chính trị, khu di tích, lễ hội, đình, chùa…

Trong thời gian từ ngày 1-1 đến 9-4-2018, lực lượng Thanh tra Sở GT-VT đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 230 trường hợp vi phạm trong hoạt động trông giữ phương tiện, phạt tiền 933 triệu đồng; phối hợp với Công an thành phố và Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra, lập biên bản 114 trường hợp, phạt tiền gần 1,345 tỷ đồng.

Các lỗi vi phạm phổ biến tại các điểm trông giữ phương tiện là sử dụng quá diện tích được cấp trong nội dung giấy phép; tự ý chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để trông giữ phương tiện; tổ chức hoạt động khai thác bãi đỗ xe khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định; thành lập bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Cần quy hoạch, bố trí thêm điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe

Đoàn kiểm tra của thành phố kiểm tra bãi trông giữ ô tô tự phát tại Phủ Tây Hồ. Ảnh: Tuấn Khải


“Theo quy định hiện hành, nếu vi phạm chiếm dụng lòng đường đô thị từ 5m2 đến dưới 10m2 làm nơi trông giữ xe cũng chỉ bị phạt tiền ở mức 5 triệu đồng. Chế tài xử phạt như vậy có lẽ chưa đủ sức răn đe nên vi phạm vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là vào dịp lễ, tết và ngày cuối tuần khi thành phố tổ chức phố đi bộ. Hầu hết người dân phải trả với mức giá trông giữ ô tô, xe máy cao hơn so với quy định của thành phố. Với ô tô, tại không ít tuyến phố, ví dụ như Lê Đại Hành và Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), đoạn gần siêu thị Vincom, thường xuyên có những nhóm tư nhân tự đứng ra trông giữ ngay tại lòng đường. Trung bình mỗi lượt ô tô từ 50.000 đến 70.000 đồng/2-3 giờ. Đường sá bị chiếm dụng, ngân sách thì thất thu. Việc này diễn ra đã lâu nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý” - ông Hoàng Văn Tuấn (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.

Cũng theo phản ánh của người dân, còn có những điểm trông giữ phương tiện được cấp phép, nhưng nhân viên thường cố ý quay ngược tấm biển niêm yết giá trông giữ hoặc đặt biển ở vị trí khó nhận biết để thu giá cao hơn quy định. Nếu khách nào phản ứng thì sẽ được thu đúng giá.

Vậy, tại sao chưa thể xử lý được triệt để tình trạng vi phạm trông giữ phương tiện? Trả lời câu hỏi này, đại diện Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, việc tăng giá trông giữ phương tiện (thực hiện theo Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 15-12-2017 về Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội) đã khiến một lượng xe không nhỏ di chuyển từ những điểm trông giữ xe đã được cấp phép của doanh nghiệp nhà nước sang các điểm trông giữ tự phát của tư nhân với mức phí thấp hơn hẳn.

Từ đó dẫn tới hình thành các điểm trông giữ xe tự phát, không phép trong các bãi đất trống, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong khi đó, nhu cầu đỗ, gửi xe trên địa bàn rất lớn, tuy nhiên các điểm trông giữ phương tiện hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 10%. Đặc biệt, dịp lễ hội đầu năm, nhu cầu đỗ, gửi xe tăng cao tại các quận, khu vực đền, chùa. Vì lợi nhuận, một số điểm trông giữ xe tự ý chiếm dụng thêm phần diện tích, tăng giá trông giữ xe, tổ chức trông giữ xe trái phép… Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến việc còn để xảy ra vi phạm trên địa bàn.

Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong xử lý vi phạm về trật tự đô thị, thành phố cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí thêm các điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân trên địa bàn Thủ đô; tiếp tục triển khai, áp dụng công nghệ Iparking đối với các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công khai và người dân được sử dụng hệ thống giao thông tĩnh tốt hơn, hạn chế tình trạng thu quá giá quy định.

Cùng với đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp đồng tình, tự giác thực hiện. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm và thường xuyên duy trì không để vi phạm tái lấn chiếm, vi phạm phát sinh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm quy định về trông giữ phương tiện giao thông: Vì sao chưa thể xử lý triệt để?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.