Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu Quốc hội chất vấn "nóng" chuyện đường sắt bị "bỏ rơi"

Bảo Hân| 04/06/2018 12:39

(HNMO) - Cuối phiên chất vấn buổi sáng 4-6, nhiều đại biểu tập trung nêu câu hỏi và tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể về thực trạng lạc hậu,

Toàn cảnh phiên chất vấn sáng 4-6.


Mở đầu về nội dung này, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh thực trạng chất lượng đường sắt quá tệ, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ đường sắt và giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt.

Tiếp đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, đường sắt là phương tiện công cộng cần được ưu tiên. Cách đây 8 năm Quốc hội đã không tán thành xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhưng vẫn khẳng định cần thiết sớm có hệ thống đường sắt hoàn thiện, có tốc độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhưng qua 8 năm vẫn "dậm chân tại chỗ". Phải chăng là đầu tư làm đường bộ thì dễ chia sẻ lợi ích hơn, còn làm đường sắt thì cần đầu tư lớn?.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định: Giao thông đường sắt, đặc biệt là đường sắt Bắc - Nam là tuyến đường quan trọng với đất nước, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ và không cần phải đầu tư nhiều tiền để phát triển hệ thống đường bộ Bắc - Nam như hiện nay. 


Bộ trưởng nhận trách nhiệm của ngành đã tham mưu kém nên thời gian qua chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc - Nam bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật và đường sắt Bắc - Nam hiện nay rơi vào tình trạng vô cùng lạc hậu. Có những đoạn đường sắt xây dựng từ 70-80 năm trước mà chưa có giải pháp nâng cấp.

Giải pháp để phát triển hệ thống đường sắt trong tương lai được Bộ trưởng nêu ra là đang chuẩn bị đề án xây dựng đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao và dự kiến trình ra Quốc hội vào năm 2019.

Nguyên nhân dẫn đến các tai nạn đường sắt là do đường sắt Bắc - Nam có đến 5.919 điểm giao cắt, trong đó chỉ có 1.519 điểm giao cắt do Tổng công ty Đường sắt bố trí điểm gác chắn. 4.200 điểm giao cắt đường dân sinh còn lại chủ yếu là đường nhỏ, kết nối vào khu, cụm dân cư, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn dù có biển báo, có gờ giảm tốc... Một nguyên nhân khác là việc chấp hành của một bộ phận người dân tham gia giao thông chưa nghiêm, dù có hiệu lệnh, biển báo nhưng lưu thông vẫn thiếu quan sát nên dẫn đến tai nạn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.


Tranh luận ngay sau đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, chưa hài lòng khi trong phần báo cáo của Bộ GT-VT trình Quốc hội chỉ có 3 dòng nói về giao thông đường sắt trong khi những ngày qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tục xảy ra. 


Không tán thành khi Bộ trưởng nêu lý do tham mưu kém, đại biểu Dương Trung Quốc tiếp tục tranh luận về thực trạng "bị bỏ rơi" của đường sắt bởi đầu tư vào lĩnh vực này quá lớn, phải làm tổng thể và không mang lại lợi ích cho các nhóm?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục khẳng định sự quan tâm với loại hình vận tải này. Gần đây, khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, lãnh đạo Bộ và các đơn vị đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, thành thật xin lỗi người dân, nhất là những người bị tai nạn liên quan.

"Chúng tôi xác định trách nhiệm rất cao của mình và đang triển khai giải pháp cấp bách để chấn chỉnh lại tình hình tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt" - Bộ trưởng khẳng định trước tranh luận của đại biểu Tô Thị Bích Châu.


Với tranh luận của đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ trưởng nêu, hạ tầng đường sắt luôn cần sự đầu tư lớn, thậm chí có những dự án lên đến hàng tỷ USD. Dự án 8 năm trước trình có giá trị vài chục tỷ USD nên Quốc hội đắn đo và chưa thông qua.

Bộ trưởng bày tỏ quan điểm cá nhân, các dự án đường sắt, đường bộ đều quan trọng như nhau. Và đã đến giai đoạn cần phải thông qua dự án đường sắt.

"Chúng ta có thể thông qua dự án với giá trị 50 tỷ USD. Mỗi nhiệm kỳ bỏ ra 5 tỷ USD (hơn 100.000 tỷ đồng) để hình thành nên tuyến đường sắt mới và trong nhiều nhiệm kỳ sẽ có được tuyến đường sắt Bắc - Nam" - Bộ trưởng nêu. 


Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại, tại kỳ họp trước, Quốc hội đã đồng ý chủ trương dùng dự phòng của trái phiếu chính phủ trong 5 năm, trong đó có 7.000 tỷ đồng dành cho đường sắt và 8.000 tỷ đồng để cho đường bộ...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ GT-VT nhanh chóng chỉ đạo để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án đầu tư cho đường sắt.

Cuối phiên chất vấn sáng nay, tiếp tục có nhiều đại biểu nêu câu hỏi cùng về nội dung này. Cụ thể, đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau) nêu tình trạng tai nạn đường sắt thời gian qua liên tục xảy ra. Báo cáo nêu do hạ tầng đường sắt thấp kém, do quản lý kém. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GT-VT cho thấy việc đầu tư vào đường sắt rất ít, tập trung đầu tư đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và một số đường sắt quan trọng khác. "Nếu ưu tiên như vậy có khắc phục được tình trạng tai nạn như vừa qua hay không. Tại sao không tập trung nguồn vốn đề đầu tư đường sắt an toàn trong cả nước?" - đại biểu hỏi.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) trong chất vấn của mình đã đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng tham gia trả lời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội chất vấn "nóng" chuyện đường sắt bị "bỏ rơi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.