Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển hài hòa vận tải bằng taxi

Gia Bảo| 21/09/2018 07:00

(HNM) - Sau khi Grab, Go-Viet, Vato, Aber… hoạt động, mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ứng dụng gọi xe mang tên Go-ixe chính thức ra mắt.

Điều này đồng nghĩa số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đón khách tăng nhanh chóng, gây quá tải hạ tầng giao thông đô thị. Trước thực trạng này, ngành Giao thông - Vận tải thành phố đang có những giải pháp cụ thể để kiểm soát số lượng đầu xe tham gia thị trường vận tải hành khách.


Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, số lượng phương tiện tham gia thị trường vận tải bằng ô tô dưới 9 chỗ trên địa bàn thành phố đến nay có khoảng 45.000 đầu xe. Như vậy, nếu so với kết quả nghiên cứu quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi đến năm 2020 là 14.464 xe và đến năm 2025 là 16.524 xe, thì số lượng loại xe này đã vượt quá 3 lần.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị cho hay, hiện quỹ đất dành cho giao thông rất thấp. Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155km, đạt mật độ 1,98km/km2 (theo quy chuẩn xây dựng phải đạt 10-13,3km/km2); diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,6% so với diện tích đất xây dựng đô thị (theo quy hoạch phải đạt 22,3%). Với khoảng 7,5 triệu phương tiện hiện có, nếu toàn bộ xe đỗ trên mặt đường sẽ chiếm tới gần 40% diện tích mặt đường đô thị. Đối với vận tải hành khách ô tô dưới 9 chỗ ngồi, rõ ràng quy hoạch phát triển taxi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã bị phá vỡ.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia giao thông cho rằng, trước hết, Sở Giao thông - Vận tải cần kiểm soát số lượng xe của các đơn vị taxi truyền thống và ngoại tỉnh đang hoạt động; đồng thời, rà soát kỹ các đơn vị kinh doanh bằng phần mềm ứng dụng công nghệ mới như: Grab, Go-Viet, Go-ixe... Mặt khác, lực lượng chức năng cần thường xuyên tổ chức ra quân kiểm tra, xử phạt và đình chỉ hoạt động của taxi "dù", "nhái".

Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, TP Hồ Chí Minh đề nghị phân 4 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo chức năng hoạt động và đối tượng phục vụ vận chuyển. Cụ thể, gồm tuyến cố định, xe buýt, xe taxi và xe du lịch (bỏ loại hình xe hợp đồng). Đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở xuống cần phân vào loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi.

Về giải pháp thời gian tới, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã tham mưu UBND thành phố tạm thời khống chế số lượng xe taxi. Đồng thời, Sở kiến nghị Hội đồng thẩm định quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi đến năm 2025 tạm dừng thẩm định dự án quy hoạch này, do lượng xe tăng quá nhanh khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải thành phố đang trình đề án tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ xe buýt; giao thông vận tải đô thị khối lượng lớn; vận tải hành khách đường thủy nội địa và liên vùng; các loại hình vận tải công cộng, bán công cộng khác. Trong đó, hoạch định số lượng phương tiện taxi phát triển hợp lý với các phương thức vận tải hành khách đô thị khác. Đồng thời, ban hành chính sách quản lý vận tải hành khách bằng xe taxi như quản lý phạm vi, số lượng, nhận diện phương tiện (bao gồm dịch vụ taxi sử dụng công nghệ) phù hợp với thực tiễn đô thị; hạn chế số lượng phương tiện ô tô đăng ký mới; kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển hài hòa vận tải bằng taxi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.