Theo dõi Báo Hànộimới trên

VKS cho rằng ACB nhận không thiệt hại là nhằm tránh tội cho các bị cáo

Thành Tâm| 30/05/2014 09:45

(HNMO) - Sáng 30-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và 8 bị cáo khác. Liên quan đến việc ACB khăng khăng cho rằng ACB không thiệt hại, đại diện VKS cho rằng đó là nhằm tránh tội cho các bị cáo.

8h25': Tòa tiếp tục làm việc. Đại diện ngân hàng ACB được phát biểu trước tòa, tiếp tục khẳng định đã có nhiều công văn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ và đề nghị VietinBank bồi thường tiền. Các căn cứ của VietinBank không chính xác. Việc VietinBnak không giao thẻ tiết kiệm cho nhân viên ACB là lỗi của VietinBank. Nguồn gốc tiền hợp pháp hay không hợp pháp không làm thay đổi trách nhiệm của VietinBank… Về đầu tư cổ phiếu, ACB cho rằng không thiệt hại tài sản, hợp đồng giữa ACBS và ACI đã được thanh lý. Các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB thực hiện các nghiệp vụ trên không vì mục đích cá nhân, có nhiều đóng góp nên đại diện ACB đề nghị tòa xem xét cho các bị cáo.

Đại diện ngân hàng VietinBank bày tỏ rất bức xúc. Về vấn đề liên quan đến khoản tiền 718 tỷ đồng, vị đại diện cho rằng về hình thức giữa 2 ngân hàng không có một giao dịch, thỏa thuận hay hợp đồng nào. Về nội dung, qua điều tra đã kết luận số tiền 718 thực chất là của ACB. Vậy tại sao ACB không dùng nghiệp vụ cho vay liên ngân hàng để xử lý số tiền này? Đó là sự lách luật, lạm dụng, lừa dối NHNN, trốn tránh sự quản lý. LS của các bị cáo và ACB muốn đẩy vụ việc thành vụ việc dân sự, trong khi thực chất đây là vụ án hình sự. Đại diện VietinBank cho rằng, trừ Nguyễn Đức Kiên, các LS của ACB và các bị cáo nói sai khi cho rằng tiền của ACB đã vào “tài khoản của VietinBank”. Các nhân viên ACB có hơn 80 lệnh chi ký khống, giao cho Huyền Như. Đây là “kẽ hở chết người”, xuất phát từ các nhân viên của ACB, tạo điều kiện cho Huyền Như phạm pháp, VietinBank không hề biết.

Đại diện VietinBank cho rằng việc ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền khiến các ngân hàng “giật mình sửng sốt” vì mức độ rủi ro rất cao. Bản thân ACB nhìn trước được hậu quả nhưng vẫn liều lĩnh thực hiện. VietinBank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đi gửi ở ngân hàng khác, VietinBank không bao giờ có những công ty sân sau.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết giữa ông Long và Nguyễn Đức Kiên không có mâu thuẫn gì cả. Khi mua gói cổ phần từ ACBI, phía Hòa Phát cũng có sơ suất dẫn đến lãnh đạo Hòa Phát không nắm được thực trạng số cổ phần. Hòa Phát đã khẳng định từ sớm rằng thời điểm đó rất muốn mua cổ phiếu của Công ty CP thép Hòa Phát. Việc hoán đổi cổ phiếu là nói với nhau, nhưng về mặt pháp lý là Kiên mua cổ phiếu bất động sản của ông Long, ông Long mua cổ phiếu của Kiên.

Bà Đặng Ngọc Lan (vợ Nguyễn Đức Kiên) đại diện bị đơn dân sự B&B cho rằng không hiểu vì sao lại là bị đơn khi chưa nhận được văn bản nào đòi thu thuế.

Đại diện ACI và ACI-HN phát biểu, cho rằng quan hệ hợp tác với ACBS đã tất toán, không nợ nần, liên quan gì với ACBS. Số cổ phiếu ACB thuộc sở hữu của ACI và ACI-HN. Hiện, Công ty hoàn toàn đủ khả năng tất toán với VietBank tiền mua trái phiếu.

Đại diện của 19 nhân viên ACB bổ sung, hoạt động ủy thác đến nay vẫn còn giá trị và các nhân viên vẫn còn trách nhiệm với VietinBank và đề nghị VietinBank trả lại tiền.

Đại diện VietBank khẳng định việc mua trái phiếu và vay liên ngân hàng là các hoạt động độc lập. VietBank không dùng vốn của ACB để mua trái phiếu. Các hợp đồng giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật.

Đại diện KienLongBank cũng cho rằng việc mua trái phiếu của ACBS là hoàn toàn bình thường, KienLongBank đã sử dụng vốn của mình chứ không chỉ từ nguồn vốn vay liên ngân hàng với ACB.


9h05': Đại diện VKS bắt đầu phần đối đáp. Về hành vi kinh doanh trái phép, đại diện VKS viện dẫn các văn bản luật liên quan để cho rằng 5 công ty của Nguyễn Đức Kiên đã không có đăng ý kinh doanh về nội dung góp vốn, mua bán cổ phiếu, cổ phần đúng quy định, vi phạm Điều 9 Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, Viện KSND tối cao truy tố tội danh kinh doanh trái phép là có căn cứ.

Về việc kinh doanh vàng trái phép tại Công ty Thiên Nam, đại diện VKS cho rằng, căn cứ vào văn bản thỏa thuận giữa VietBank và Công ty Thiên Nam nhân kế thừa và tiếp tục thực hiện Hợp đồng ủy thức đầu tư tài chính với ACB và các hợp đồng mua bán trạng thái vàng giữa Thiên Nam và ACB, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Thiên Nam không được NHNN cấp giấy phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Vì vậy, có thể kết luận hành vi đó là “kinh doanh trái phép” và VKS giữ nguyên quan điểm truy tố tội “kinh doanh trái phép”.

Về tội “trốn thuế”, Công ty B&B ký ủy thác cho ACB thực hiện đầu tư tài chính thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam sau đó Nguyễn Thúy Hương ký với B&B hợp đồng ủy để chuyển số lãi qua việc kinh doanh vàng qua cá nhân Nguyễn Thúy Hương. Tại tòa, các LS và bị cáo cho rằng hợp đồng trên nếu phải nộp thuế thì được trích lập quỹ rủi ro nên cũng không phải nộp thuế. Đại diện VKS cho rằng, B&B không được cấp pháp kinh doanh nhận ủy thác. Nguyễn Thúy Hương không đủ điều kiện kinh doanh vàng. Hương không thực hiện bất kỳ giao dịch nào nhưng hưởng lãi trên giao dịch (hơn 68 tỷ đồng)… B&B không kê khai thuế cho Nguyễn Thúy Hương. VKS cho rằng hoạt động trên là trái quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Cục Thuế HN đã thanh tra thuế tại B&B (2009 - 2010), kết luận truy thu thuế và xử phạt B&B nhưng B&B không kê khai khoản thu từ kinh doanh vàng như trên. Vì vậy, VKS cho rằng có đủ căn cứ kết luận về hành vi “trốn thuế”.

Về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS cho rằng Kiên có biết số cồ phần của Công ty CP Thép Hòa Phát thuộc sở hữu của ACBI chưa được giải chấp nhưng vẫn chỉ đạo ra nghị quyết HĐQT, chỉ đạo kế toán trưởng và giám đốc ACBI lập hợp đồng bàn cổ phần cho Công ty TNHH Một thành viên Théo Hòa Phát. Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến và Giám đốc Trần Ngọc Thanh cũng biết số cổ phần trên chưa được giải chấp… Vì vậy, 3 bị cáo Kiên, Thanh, Yến đều phạm tội. Dù Yến cho rằng làm theo chỉ đạo của Kiên nhưng với trách nhiệm là kế toán trưởng, Yến vẫn phải chịu trách nhiệm. Tương tự, với vai trò giám đốc quy định trong Luật Doanh nghiệp, Trần Ngọc Thanh cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi “lừa đảo”. Nguyễn Đức Kiên sử dụng số tiền lửa đảo nên phải chịu trách nhiệm về số tiền này.

9h50': Tòa nghỉ 10 phút.

10h00': Tòa tiếp tục làm việc. Đại diện VKS tiếp tục đối đáp về hành vi “cố ý làm trái” của các bị cáo.

VKS giải đáp những phần bào chữa của các luật sư tại tòa, về việc tách, nhập vụ án. VKS nói, căn cứ khoản 2, Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự tách Huyền Như ra vụ án khác để bảo đảm làm rõ hành vi đối với từng bị cáo.

Về hành vi mua cổ phiếu của ACB, đại diện VKS cho rằng việc HĐQT bàn việc mua cổ phiếu đã được bàn bạc rất sâu và cụ thể, giao cho Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo thực hiện. Trong cuộc họp này cũng đã bàn đến cả yếu tố rủi ro, hạn mức giao cho ACBS. Nguyễn Đức Kiên khi khai trước tòa về việc mua cổ phiếu là với tư cách Chủ tịch HĐQT ACI và ACI-HN thể hiện sự đan xen rất phức tạp. Trong việc cho KienLongBank, VietBank, tiền của ACB lại trở về ACB. VKS cho rằng ACI mượn tiền của ACB để mua chính cổ phiếu của ACB. Hoạt động này được thể hiện trong chính văn bản của ACI. Lời khai của các bị cáo cũng thừa nhận bản chất số tiền mua cổ phiếu ACB chính là của ACB. Các bị cáo cũng khai việc đặt lệnh mua là do bị cáo Kiên chỉ đạo. Các bị cáo cũng thừa nhận hậu quả. Về việc ACB khăng khăng cho rằng ACB không thiệt hại, đại diện VKS cho rằng đó là nhằm tránh tội cho các bị cáo.

Về việc ủy thác gửi tiền, đại diện VKS cho rằng thời điểm đó Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Các bị cáo liên quan đồng ý chủ trương ủy thác cho cá nhân đem tiền đi gửi là trái phép luật, không đúng với Luật các tổ chức tín dụng, trái với giấy phép hoạt động của ACB (chỉ được tiếp nhận ủy thác chứ không được ủy thác). Quá trình cho vay cũng có nhiều sai phạm. Các nhân viên ACB không nắm được nghĩa vụ, trách nhiệm nào ngoài việc đến ký hợp đồng gửi tiền tại VietinBank mà chỉ thông qua Huỳnh Bảo Ngọc. Như vậy, ACB đã không làm đúng trách nhiệm. Hậu quả của việc làm trái này như Huyền Như đã thừa nhận là số tiền đã bị chiếm đoạt. Như vậy, có thể khẳng định, chủ trương ủy thức gửi tiền không đúng quy định và số tiền đó đã bị Huyền Như chiếm đoạt. Và vì vậy, việc truy tố của VKS là có căn cứ. Vai trò chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên là rõ ràng. Hành vi của Huyền Như đã bị truy tố trong vụ án khác nên tại tòa VKS không đề cập đến việc ai phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này.

Đại diện VKS cho rằng việc cơ quan tố tụng sử dụng công văn của NHNN là việc thu thập chứng cứ. Ngoài công văn này còn có nhiều tài liệu khác bổ sung trong hệ thống chứng cứ, phản ánh đúng bản chất vụ án. Cơ quan tố tụng không chỉ căn cứ vào công văn của NHNN.

10h55': LS đối đáp với VKS. LS bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Thanh cho rằng phải xem xét đánh giá toàn diện hành vi của bị cáo Thanh trong mối quan hệ với bị cáo Kiên. Bị cáo Thanh không bàn bạc, chỉ ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần khi có ý kiến, mệnh lệnh của Nguyễn Đức Kiên. Việc cho rằng bị cáo Thanh là đồng phạm là không có căn cứ vì bị cáo không cùng động cơ, ý chí với Kiên mà chỉ làm theo chỉ đạo. Bị cáo không có thủ đoạn, không gian dối. Trần Ngọc Thanh không biết số cổ phần này đã được giải chấp hay chưa vì không làm việc với ACB, ACBS; không ai báo về số cổ phần này. Khi biết số cổ phần này chưa được giải chấp, Trần Ngọc Thanh đã tích cực giải quyết. Như vậy, VKS đã bỏ qua nhiều tình tiết, lời khai của các bị cáo trước tòa.

LS của bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng bị cáo không phải chịu trách nhiệm về việc Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát chuyển tiền về tài khoản của ACBI. Yến chỉ làm công ăn lương, không hưởng gì từ hành vi lừa đảo, đề nghị HĐXX xem xét.

LS bào chữa cho các bị cáo về tội danh “cố ý làm trái” tiếp tục cho rằng về vấn đề “án chồng án” là phản ánh quan điểm của các nhà nghiên cứu luật, các luật sư và dư luận. Về tội “cố ý làm trái”, VKS phải chứng minh hành vi đó có gây thiệt hại không. Quan điểm của VKS rằng hậu quả đã xảy ra và đã được xem xét tại một vụ án khác là không đúng. Vấn đề là Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của ai?! ACB được mời đến tòa với tư cách là nguyên đơn thì phải xem họ có thiệt hại không. Nếu ACB mất tiền thì mới có căn cứ kết tội các bị cáo.LS cho rằng tội danh trên phải có yếu tố lợi dụng chức vụ quyền hạn. Các bị cáo có lợi dụng chức vụ quyền hạn không? Thời điểm đó các bị cáo không xác định được là họ làm trái. LS cho rằng thời điểm đó Luật các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lựa nên các bị cáo khong làm trái.

LS của Lý Xuân Hải cho rằng, hậu quả của hành vi “cố ý làm trái” là 718 tỷ đồng chênh lệch với số tiền hậu quả của vụ án Huyền Như. LS cho rằng, trong cáo trạng về hành vi, cơ quan công tố chỉ truy tố hành vi cố ý làm trái từ 1-1-2011, nhưng trong phần luận tội lại vượt quá phạm vi xem xét trách nhiệm của bị cáo. Về điều khoản áp dụng, cáo trạng chỉ truy tố theo Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng, phần luận tội lại áp dụng thêm Điều 90 là bất lợi cho bị cáo. Cũng về đánh giá hậu quả trong việc đầu tư mua cổ phiếu ACBS, LS cho rằng ACB không bị thiệt hại. LS cho rằng Lý Xuân Hải không biết về hợp đồng giữa ACBS và ACI, ACI-HN, đề nghị cơ quan công tố đánh giá lại vai trò của bị cáo. Việc ủy thác cho cá nhân gửi tiền, LS cho rằng hoạt động này không có quy định nào ngăn cấm, không thể coi đây là hành vi làm trái. Đối với các hợp đồng cá nhân đứng tên cũng chưa có bất kỳ quy định nào cho rằng bất hợp pháp.

11h30': Tòa nghỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VKS cho rằng ACB nhận không thiệt hại là nhằm tránh tội cho các bị cáo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.