Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyên Phó GĐ ngân hàng và đại gia ở miền Tây lĩnh án

Theo vietnamnet| 10/02/2018 14:32

HĐXX đã tuyên án đối với nguyên Phó GĐ Agribank Trà Vinh cùng hai thuộc cấp và nhiều đại gia ở miền Tây trong “đại án” hơn 51 tỉ đồng.


Sau hơn 2 tuần xét xử, chiều nay, TAND tỉnh Trà Vinh tuyên án đối với 8 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Trà Vinh (Agribank Trà Vinh).

Các bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Hữu Lộc, Trần Vũ Dũng (cùng nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long), Nguyễn Hồng Nam, Đỗ Thái Hòa (nguyên Tổng, Phó giám đốc công ty Aquafeed), Bùi Thị Tuyết Mai (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản).

Ngoài ra còn có các bị cáo Nguyễn Văn Trực (nguyên Phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh), Nguyễn Quốc Hoàn và Cao Văn Phong (41 tuổi, nguyên trưởng, phó phòng tín dụng Agribank Trà Vinh).

Các bị cáo tại toà



HĐXX tuyên bị cáo Lộc 14 năm tù, Hòa 12 năm tù, Nam 10 năm tù, Mai 10 năm tù; Dũng 7 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bị cáo Trực, Hoàn và Phong cùng lĩnh 5 năm tù cùng về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo Lộc, Hòa, Nam và Mai phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại tổng cộng 54 tỉ đồng.

Sau khi HĐXX tuyên án, các bị cáo Lộc, Mai, Hòa và Nam đã nộp đơn kháng cáo kêu oan toàn bộ bản án sơ thẩm ngay tại tòa. Các bị cáo cho rằng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như quy kết.

Theo cáo trạng, từ cuối tháng 6/2010 – 29/12/2011, bị cáo Lộc và Dũng với cương vị là Chủ tịch và thành viên HĐQT công ty Aquafeed Cửu Long cùng các bị cáo Hòa, Nam (đại diện công ty Aquafeed Cửu Long), Mai và Võ Ngọc Thắm (Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Biển Tây) ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Công ty Aquafeed Cửu Long và Công ty cổ phần nông nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây.

Sau đó, Công ty Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Agribank Trà Vinh giải ngân 100 tỷ đồng. Từ đây, Công ty Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản 28 tỷ đồng, Công ty Biển Tây 26 tỷ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để các bị cáo Lộc và Dũng chiếm đoạt.

Riêng các bị cáo, Trực, Hoàn và Phong đã có hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 52 tỷ đồng.

Tại phiên tòa các bị cáo thuộc công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long Lộc, Hoà, Nam, Mai đồng loạt kêu oan cho rằng không phạm tội như cáo trạng và luận tội mà VKSND tỉnh Trà Vinh đã quy kết. Các bị cáo cho rằng bản thân các bị cáo không có ý thức và hành vi chiếm đoạt một đồng nào. Riêng bị cáo Trần Vũ Dũng thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt.

Còn các bị cáo Trực, Hoàn và Phong cho rằng chỉ vi phạm hành chính, không phạm tội như cáo trạng quy kết.HĐXX nhận định, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo nhóm công ty Aquafeed Cửu Long biết rõ cuối năm 2010 tình hình tài chính công ty gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ, nợ phải trả cao hơn thu. Nếu để công ty Aquafeed Cửu Long phá sản sẽ ảnh hưởng lớn đến công ty cổ phần công nghiệp Thủy sản và công ty cổ phần Biển Tây.

Các bị cáo này, dùng nhiều thủ đoạn gian dối ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu không có hàng hóa giữa Aquafeed Cửu Long với các công ty cổ phần Thuỷ sàn và công ty Biển Tây để Aquafeed Cửu Long sử dụng hóa đơn không có hàng hóa đưa vào ngân hàng giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản Aquafeed Cửu Long.

Sau khi được ngân hàng giải ngân, các bị cáo không sử dụng tiền vào mục đích kinh doanh mà lập 42 ủy nhiệm chi chuyển tiền trả nợ dẫn đến mất khả năng trả nợ vay ngân hàng.

Đối với các bị cáo nhóm Agribank Trà Vinh, HĐXX cho rằng, trong quá trình thực hiện ký hợp đồng vay vốn với Aquafeed Cửu Long hạn mức tín dụng 120 tỉ đồng và được chấp thuận giải ngân 100 tỉ đồng.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, các bị cáo làm không hết trách nhiệm về kiểm tra thẩm định, định giá tài sản thế chấp nên để công ty Aquafeed Cửu Long kê khống nguyên liệu với số tiền hơn 12 tỉ đồng.

Sau khi cho vay, các bị cáo không sâu sát chỉ đạo kiểm tra, thực hiện đánh giá hiệu quả sử vụng vốn vay nên không phát hiện các hóa đơn giải ngân của ngân hàng là không có hàng hóa. Để Aquafeed Cửu Long sử dụng vốn vay trả nợ các hợp đồng mua bán không hàng hóa, không đúng mục đích phương án vay vốn.

Đặc biệt vào tháng 6/2011, khi biết công ty Aquafeed Cửu Long không còn khả năng trả nợ, các bị cáo không ngừng việc giải ngân để thu nợ theo quy định mà tiếp tục giải ngân 84 tỉ đồng.

Đến năm 2012, hợp đồng vay vốn quá hạn, Aquafeed Cửu Long không khả năng trả nợ, các bị cáo này tiếp tục ký hợp đồng tín dụng làm phụ lục giả nhằm che giấu tình hình mất cân đối tài chính của Aquafeed Cửu Long để tiếp tục giải ngân cho vay, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thiệt hại cho nhà nước 52 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên Phó GĐ ngân hàng và đại gia ở miền Tây lĩnh án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.