Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao giúp nông dân làm giàu

Đào Huyền| 16/08/2013 06:21

(HNM) - Năm 2012, thành phố đã phê duyệt đề án



Đặc biệt, năm 2012, thành phố đã phê duyệt đề án "Phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012-2016". Đây được coi là cơ hội giúp nông dân làm giàu.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa

Đến xã Đại Thành, huyện Quốc Oai những ngày này đã thấy cảnh thương lái tấp nập về đặt mua nhãn chín muộn. Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Đại Tảo, xã Đại Thành cho biết, vườn nhà anh có trên 100 gốc nhãn chín muộn có tuổi đời từ 15 đến 40 năm. Với 5.000m2 trồng nhãn chín muộn và làm cây giống, mỗi năm gia đình anh thu trên 300 triệu đồng. Hiện các vườn nhãn đã được các thương lái đặt trước mua hết. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huy Anh, xã có 90% số hộ trồng nhãn chín muộn, dự kiến năm nay thu trên 1 nghìn tấn quả, ước đạt trên 30 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng thu nhập toàn xã.

Nhãn chín muộn tại thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai.


Nhãn chín muộn có nguồn gốc tại Quốc Oai, Hà Nội, là loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao, thời gian thu hoạch từ ngày 2-9 đến 25-9 hằng năm (thời điểm nhãn thường đã hết vụ). Nhãn chín muộn ở Hà Nội có 2 dòng, năm 2004, Bộ NN&PTNT đã công nhận là giống đưa vào sản xuất đại trà, đó là HTM1 (dòng quả méo) và HTM2 (dòng quả tròn). Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, do có hiệu quả kinh tế cao nên trong những năm vừa qua, được sự giúp đỡ của thành phố, Sở NN&PTNT cùng nhiều địa phương đã phát triển mạnh loại cây ăn quả này. Diện tích nhãn giống HTM1 và HTM2 đang cho thu hoạch trên 700ha, tập trung ở các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Đan Phượng… Ngoài ra, do giá trị kinh tế vượt trội nên hằng năm các vùng nhãn chín muộn của Hà Nội cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép, cây giống cho các tỉnh bạn như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Hiện xã Đại Thành có những cây nhãn chín muộn cổ có tuổi đời trên trăm năm là nguồn gen quý. Để phát triển và nhân rộng mô hình, Hà Nội đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất nhãn chín muộn tập trung với diện tích trên 50ha/vùng. Đó là vùng ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai với diện tích quy hoạch đến năm 2015 là 120ha; vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức bao gồm các xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương... trên 150ha; vùng Lam Điền, Thụy Hương - huyện Chương Mỹ diện tích 100ha.

Đẩy mạnh liên kết "bốn nhà"

Theo đề án "Phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2012-2016", Hà Nội sẽ tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả là bưởi Diễn, cam Canh, nhãn chín muộn và chuối nuôi cấy mô. Thực hiện đề án, trong 3 năm 2011-2013, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thực hiện trồng mới, thâm canh, chăm sóc và ghép cải tạo được diện tích 1.292ha đối với 4 giống cây ăn quả chủ lực này. Sau 3 năm được sự hỗ trợ thâm canh, chăm sóc… hầu hết các loại cây ăn quả trên đều cho thu nhập cao. Mô hình cam Canh cho giá trị 779 triệu đồng/ha, mô hình nhãn chín muộn với giá trị 770 triệu đồng/ha, bưởi Diễn có giá trị 513 triệu đồng/ha, mô hình chuối tiêu đồng cho giá trị 368 triệu đồng/ha. Đây là kết quả cao giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Thanh Vân cho rằng để tránh phát triển ồ ạt, có định hướng, giữ ổn định chất lượng và sức tiêu thụ phải đẩy mạnh liên kết "bốn nhà". Trong 3 năm triển khai chương trình cây ăn quả, Trung tâm Phát triển cây trồng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ trang trại, hộ nông dân. Trung tâm đã kết hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học trong công tác đào tạo về kỹ thuật sản xuất, bảo quản chế biến cho hơn 10.000 lượt cán bộ kỹ thuật nông dân. Trung tâm cùng các đơn vị nghiên cứu, đặc biệt là Viện Nghiên cứu rau quả đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho 4 chủng loại cây ăn quả chủ lực. Nhu cầu vật tư, cây giống cung cấp cho chương trình cây ăn quả được lựa chọn mang hàm lượng khoa học cao nên hầu hết vật tư như túi bao quả, bao buồng, toàn bộ cây giống đều do các doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc các viện nghiên cứu sản xuất, cung cấp. Trong tiêu thụ sản phẩm, trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, liên doanh liên kết với các sàn giao dịch nông sản để giới thiệu sản phẩm quả, phối hợp tốt để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, để tạo chỗ đứng cho các loại quả đặc sản Hà Nội, ngay từ năm 2011, trung tâm đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm. Đến nay, trung tâm đã xây dựng xong 2 nhãn hiệu tập thể nhãn chín muộn, sắp hoàn thành 2 nhãn hiệu tập thể về bưởi đường Quế Dương và cam Canh Kim An. Năm 2014, trung tâm sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nhãn chín muộn Hà Nội. Ngoài ra, trung tâm phối kết hợp với các chương trình dự án khác, chỉ đạo sản xuất và cấp giấy chứng nhận sản phẩm quả đạt chuẩn VietGAP cho 70ha nhãn muộn (1.500 tấn quả), 120ha bưởi Diễn (2.500 tấn quả), 40ha chuối (1.600 tấn quả) nhằm đưa đề án phát triển cây ăn quả thành hiện thực, giúp nông dân làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao giúp nông dân làm giàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.