Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luận bàn về lịch!

Mr. Địa Lâm| 01/10/2012 14:22

(HNNN) - Nếu như thế, hóa ra thần thánh còn tham lam phàm tục hơn cả người trần mắt thịt, mất hết linh thiêng! Giả thiết những điều trên chỉ là suy diễn, thì rút cuộc chúng ta chỉ tạo công việc và thậm chí làm giàu cho những pháp sư cao tay-rộng túi chuyên sống nhờ vào sự thiếu hiểu biết của quần chúng.

Theo nội dung của thuyết âm dương, thì bản chất dương cương cứng, âm nhu mềm nên người ta vận dụng lấy cương nhật (ngày dương) để tiến hành các công việc bên ngoài như luyện tập, triều cống, đánh trận và lấy nhu nhật (ngày âm) để giải quyết những việc nội bộ như tế lễ, kết hôn, tang ma, về sau cộng thêm cách luận giải của Kinh Dịch để phát triển thành một bộ môn chiêm tinh và ứng dụng rất rộng rãi trong các triều đình phong kiến và trong dân gian. Bộ môn chiêm tinh này gồm các bộ sao Thần sát, Nhị thập bát tú, Cửu tinh phân bố theo sơ đồ Lạc Thư... rồi một loại sách xuất hiện, lấy ngày giờ can chi làm cơ sở và ghi chú, chỉ dẫn cụ thể các loại sao trong ngày, theo tuổi, người xem cứ theo đó suy đoán xem điều gì nên làm, điều gì nên tránh, cuối cùng thì cuốn lịch thư cũng ra đời có tên là Trạch cát thông thư (sách chọn ngày lành, dữ phổ thông). Có thể coi loại lịch thư này là một cuốn sách tra cứu tổng hợp, bao gồm các loại số liệu về can chi, ngũ hành, sao, phương hướng theo từng giờ, ngày, tháng, năm để có thể dựa vào đó áp dụng cho các công việc trong đời sống hàng ngày.

Ngoài thiên can, địa chi ra, vào đời Đường người ta còn phối ngũ hành cho Nhị thập bát tú để phán đoán cát hung và được ứng dụng trong cuốn Lịch hội thiên thời. Các sao ấy gồm: Giốc tú (Mộc) là giao long, Cang tú (Kim) là rồng, Đê tú (Thổ) là cầy hương, Phòng tú là mặt trời, là con thỏ, Tâm tú là mặt trăng là con hồ ly, Vĩ tú (Hỏa) là con hổ, Cơ tú (Thủy) là con báo, Đẩu tú (Thủy) là con rắn, Ngưu tú (Kim) là con bò, Nữ tú (Thổ) là con dơi, Hư tú là con chuột, Ngụy tú là con én, Thất tú là con lợn, Bích tú là con giun, Khuê tú là con sói, Lâu tú là con chó, Vị tú là chim trĩ, Mão tú là con gà, Tất tú là con chim sẻ, Chủy tú là con khỉ, Sâm tú là con vượn, Tĩnh tú là con ngạn, Quỷ tú là con dê, Liễu tú là con chương, Tinh tú là con ngựa, Trương tú là con hươu, Dục tú là con rắn, Chẩn tú là con sâu. Nhị thập bát tú (28 sao) tiêu biểu cho 28 ngày trong một tháng âm tức vừa đúng 4 tuần lễ, đây chính là cơ sở chủ yếu để chọn ngày lành, giờ tốt hay vẫn gọi chung là Hoàng đạo. Như vậy về nghĩa rộng thì bất cứ phương pháp suy luận nào tìm ra được ngày tốt đều có thể gọi là Hoàng đạo, còn theo thiên văn thì Hoàng đạo chỉ là quỹ đạo vận hành của mặt trời mà người ta quan sát được. Khái niệm 12 cung Hoàng đạo này được du nhập vào Trung Quốc từ Ấn Độ và ăn sâu vào tiềm thức con người. Đến đời nhà Thanh thì cuốn lịch phổ thông mới có tên gọi chính thống là Hoàng Lịch...

Cách đây 4000 năm, thiên can chỉ để dùng ghi ngày, còn địa chi dùng để ghi tháng, nhưng vì một tháng có những 3 ngày trùng một thiên can nên người ta lấy một can và một chi phối hợp với nhau tạo thành ngày, rồi tháng, năm, giờ. Bội số chung nhỏ nhất của 10 thiên can và 12 địa chi là 60, vậy nên cứ hết 60 ngày, vòng Lục thập Giáp tý sẽ quay lại từ đầu và cứ thế tuần hoàn đến vô cùng. Theo dịch học thì có 4 mốc thời gian: Một chu trình tinh thần bằng 30 năm gọi là Thế; một chu trình các tinh tú bằng 360 năm gọi là Vận; một chu trình mặt trăng bằng 10.800 năm gọi là Hội và một chu trình mặt trời bằng 129.600 năm. Từ hai khái niệm hữu hình (mặt trời) và vô hình (trời), quỹ đạo vận hành của mặt trời được tưởng tượng ra là đường ra vào của thiên thượng đế và mang tên là Thiên hoàng đạo (trời là chúa tể muôn loài, hoàng là màu vàng trung tâm, đạo là con đường Ngọc hoàng tuần hành trong cung). Khi thần đế tuần du trên hoàng đạo, thì mỗi năm, tháng, ngày, giờ đều có các thiên thần tương ứng có trách nhiệm luân phiên chủ quản việc. 6 thần thiện hoàng đạo gồm có: Thanh long, Minh đường, Kim dung, Thiên đức, Ngọc đường, Tư mệnh và 6 thần ác hắc đạo gồm: Thiên hình, Chu tước, Bạch hổ, Thiên lao, Nguyên vũ, Câu trần. Do thần uy lớn vô cùng, nên những ngày mà thần hoàng đạo trực ban, mọi hung thần ác sát đều phải lánh xa, mọi công việc đều đảm bảo đại cát đại lợi. Ngược lại, vào những ngày thần hắc đạo chủ trì, muôn việc sẽ không thành công, đặc biệt các việc lớn như động thổ, xây nhà, đi xa, cưới hỏi đều gặp bất trắc và hỏng bét hết. Từ đó, người ta coi ngày mang lại đại cát đại lợi là ngày hoàng đạo, ngày mang đến hung họa tai ương là ngày hắc đạo. Nhưng hung sát nhiều mức độ nặng nhẹ, theo chu kỳ vận hành thời gian lại chia thành mấy loại chính, chủ việc ở niên thần, nguyệt thần, nhật thần, thời thần và nằm trong ba hệ thống lớn Thái tuế, Nguyệt lệnh và Can chi ngũ hành (tức là tính theo năm, tháng, ngày, giờ của xung hợp theo can chi), đấy là chưa kể có những thần vừa hung vừa cát bí ẩn khôn lường! Vì vậy nhiều khi có tìm được Hoàng lịch tra cứu (chính tông chứ không phải đồ rởm), cũng thấy hoa mắt chóng mặt với quá nhiều sát tinh, hắc thần, chẳng biết tránh đường nào? Trong trường hợp thường dân không giải quyết được các thần sát, thì phải nhờ đến các thầy thể hiện tài năng thao lược trong bí quyết chế sát và hóa sát các hung thần theo nguyên tắc: Đại sát thì tránh, trung sát thì chế hoặc hóa, tiểu sát thì không cần quan tâm. Thường trong Lục thập hoa giáp, thì can sinh cho chi là tốt (như Giáp Ngọ), can khắc chi là xấu (như Canh Dần), còn can chi trùng hành như Mậu Tuất còn tùy xét đoán! Chế sát là căn cứ vào luật ngũ hành tương khắc để kiềm chế sao sát, ví dụ sát thuộc Kim, sẽ dùng Hỏa chế, sát thuộc Thủy sẽ dùng Thổ chế. Hóa sát là dùng đặc tính ngũ hành tương sinh làm yếu tính sát, ví dụ sát thuộc Mộc sẽ dùng Hỏa để hóa, sát thuộc Thổ sẽ dùng Kim để hóa. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì thấy có sự vô lý căn bản: Sát tinh là của thần linh, thượng đế quyền năng vô biên đặt ra, vậy tại sao con người nhỏ bé có thể lấy quy định chủ quan của mình để can thiệp và áp đặt công việc cho các hắc thần uy lực siêu phàm được? Chẳng qua chỉ là biện pháp an ủi về tâm lý do các pháp sư, chiêm tinh thổi phồng lên, pha vào đó một chút thần bí để tự lừa dối mình và lừa dối người mong mưu sinh và nổi tiếng mà thôi.

Còn, ngay nội dung trong các sách hướng dẫn chọn ngày giờ cũng mập mờ không hiểu nổi. Ví dụ trong cuốn Hoàng lịch trạch cát nổi tiếng: Ngày 22-12 là ngày Nhâm Tuất, can Thủy, chi Thổ tương khắc là ngày dữ, lại thêm sao xấu Phật diệt đóng, thần Khai trực ban càng bất lợi, vạn sự không thành và tóm lại không nên làm gì cả. Tiếp sau là ngày 23-12 Quý Hợi, can Thủy, chi Thủy là trùng Thủy không rõ tốt xấu thế nào, sao Địa an đóng là tốt, nhưng thần Bế trực ban thì phải tránh mọi việc! Như thế sao chiếu mâu thuẫn với thần trực có lẽ là ngày vừa xấu, vừa tốt? May ra chỉ có thượng đế mới giảng được! Gặp những trường hợp như thế, có một số pháp sư cao tay cho rằng, có thể dâng lễ giải hạn, chiều theo ý thân chủ được. Cách thức giải chung quy là sắm sanh lễ vật đến mời thầy (người tự nhận có quyền năng thông thiên, đàm đạo như cơm bữa, thậm chí chén chú chén anh với các thần sát), nói nhỏ với thần trực ban một câu để hai bên hiểu ý đẹp lòng và tất nhiên kết quả bao giờ cũng thuận lợi xuôi chèo mát mái. Nếu như thế, hóa ra thần thánh còn tham lam phàm tục hơn cả người trần mắt thịt, mất hết linh thiêng! Giả thiết những điều trên chỉ là suy diễn, thì rút cuộc chúng ta chỉ tạo công việc và thậm chí làm giàu cho những pháp sư cao tay-rộng túi chuyên sống nhờ vào sự thiếu hiểu biết của quần chúng.

Đúng ra trong lịch sử thiên văn học, hoàng đạo đã từng làm cơ sở cho lịch pháp để tính thời gian và tiết khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn bây giờ khi khoa học dùng vệ tinh thời tiết và lịch điện tử vừa chính xác vừa tiện lợi thì có lẽ phương pháp hoàng đạo nên đem ra dọa chủ các phương tiện để giảm ùn tắc giao thông vào những ngày giờ cao điểm, nếu như mọi người đều tin rằng có những thời điểm cần phải vô vi, bất động và phi dịch chuyển!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luận bàn về lịch!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.