Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Việt Nam quốc hiệu & cương vực; Hoàng Sa - Trường Sa"

Trần Văn Mỹ| 12/09/2013 06:48

(HNM) - Nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý Nguyễn Đình Đầu vừa cho ra mắt cuốn sách



Cuốn sách mang nhiều tính nghiên cứu nhưng được tác giả chọn lựa chi tiết ấn tượng, ngôn ngữ gãy gọn, rõ ràng nên độc giả dễ dàng tiếp thu và có thể coi đây là cuốn "Sử biên niên" quý giá bổ sung kiến thức khái quát cho hôm nay và mai sau.

Đúng như tên gọi, nội dung cuốn sách được chia thành hai phần. Phần "Quốc hiệu và cương vực" được đề cập thành 4 thời kỳ: I. Thời kỳ dựng nước; II. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập; III. Quốc hiệu và cương vực nước ta trong thời kỳ độc lập tự chủ; IV. Thời kỳ thống nhất lãnh thổ với quốc hiệu Việt Nam. Để tiện tra cứu, tại cuối phần này có bảng tóm lược quốc hiệu, Thủ đô, dân số, từ quốc hiệu Giao Chỉ, Văn Lang đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đọc qua mỗi thời kỳ, độc giả hẳn sẽ thu nhặt được những thông tin tổng hợp quý giá và thú vị như trong hơn 4000 năm hình thành và phát triển, nước ta có 15 lần thay đổi quốc hiệu. Trong hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc, đất Giao Chỉ đổi gọi Giao Châu và nhiều thế kỷ sau đó, mảnh đất giàu đẹp này cũng chỉ được người phương Bắc gọi là An Nam. Vào thời thuộc Pháp, Việt Nam hay Đại Nam đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới; khi đó, nước ta bị chia thành 3 kỳ và lệ thuộc vào xứ Đông Dương. Những tư liệu trong cuốn sách còn cho biết, vào năm 180 trước CN, nước Âu Lạc đóng đô ở Phong Khê với dân số 600.000 người; đến thời vua Lê Thánh Tông (1490), quốc gia Đại Việt bước vào giai đoạn cường thịnh, dân số cũng mới chỉ có 4.000.000 người mà đến năm 2011, với 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có số dân 87.840.000 người… Một thông tin thú vị khác là trước khi có quốc hiệu Việt Nam vào đầu triều Nguyễn thì tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ năm 1390 đời Hồ Quý Ly, sau đó còn xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và trên các bia đá dựng ở đình chùa thế kỷ XVI-XVII.

Phần đất liền nước ta rộng hơn 331.000km2, trước nay đã được các sử gia nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng còn phần Biển Đông với diện tích 1 triệu kilômét vuông thì việc nghiên cứu còn quá sơ sài. Đến nay, sau mấy chục năm dày công sưu tầm và nghiên cứu, Nguyễn Đình Đầu đã có trong tay 69 tấm bản đồ nói về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa do người Việt và người Pháp vẽ, tất cả được in vào phần 2 của sách. Bản đồ cổ nhất có tuổi hơn 5 thế kỷ là "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" thời Hồng Đức, bản đồ "Giao Chỉ giới" do Trung Quốc vẽ năm 1621, đến các bản đồ tổng thể và chi tiết các đảo nổi đảo chìm do Sở Thủy sản thuộc Bộ Hải quân Pháp vẽ vào thế kỷ XIX đều khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Những diễn biến phức tạp tại khu vực này trong hơn 60 năm qua được tác giả trình bày trong mục "Những cuộc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa". Trong đó, ông sử dụng lý lẽ thuyết phục, nêu được những bằng cứ xác thực bên cạnh các tư liệu dẫn chứng cụ thể, bản đồ in chi tiết để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đọc "Việt Nam quốc hiệu & cương vực; Hoàng Sa - Trường Sa" chúng ta càng biết ơn tổ tiên đã đổ bao máu xương để mở mang và gìn giữ giang sơn gấm vóc; và hôm nay dù phải chịu bao gian khó thì các thế hệ cháu con phải kiên quyết giữ gìn, không để người ngoài xâm phạm một tấc núi, một thước sông (ý vua Lê Thánh Tông dụ quần thần khi công bố bộ Bản đồ Hồng Đức 1490).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Việt Nam quốc hiệu & cương vực; Hoàng Sa - Trường Sa"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.