Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương tâm nhà văn - người lính

Hoàng Định| 23/07/2014 06:46

(HNM) - Hồi ký, nhật ký về chiến tranh của người trong cuộc ra gần đây đã giúp ta hiểu biết rõ hơn quãng thời gian vừa hùng tráng vừa bi thương này.


Có thể gây ít ấn tượng hơn so với truyện, nhưng hẳn là chúng đáng tin hơn, ở chỗ không hư cấu, không sợ giống tuyên truyền hay ngược lại, "đẩy quá" mặt mất mát. "Nhật ký đi B" (NXB Quân đội - 2014) của Triệu Bôn, một mặt "phản ánh" cuộc chiến, mặt khác cho thấy quá trình "làm quặng" của nhà văn để tạo nên tác phẩm sau này; một "lao động" nghiệt ngã, có khi phải trả giá bằng máu.

Sau giai đoạn "Mầm sống", năm 1970, Triệu Bôn trở lại chiến trường, sống sót "trở ra" với 9 cuốn nhật ký đóng lấy, khổ đủ đút túi áo, mực tím trên giấy pơ luya nhiều chỗ đã nhòe nhoẹt. Nhà thơ Hoàng Việt Hằng - vợ nhà văn - nói về bản thảo: "Phải ba năm vật vã đoán chữ, đưa hai nơi bị từ chối. Chỗ nào ra được thì cứ ra không thì mỗi ngày cuộc sống mỗi khác. Những gì chưa thể in thì phải chờ thôi…".

Là một người lính, Triệu Bôn nếm trải đủ nguy hiểm, bệnh tật, đói khổ như mọi người trên đường. Dù được hành quân theo dạng "đặc biệt", ông không tách mình ra, đứng trước một đồng đội "bỗng thấy chuyện mình ra chiến trường chả có gì đáng viết". Vào tới B2, có thể được thư thả hơn, ông luôn muốn lên chỗ nhìn thấy địch chứ không phải chỉ dừng ở cấp tiểu đoàn. Nhưng nhà văn có nhiệm vụ… không được chết, để còn quan sát, chiêm nghiệm. Nhật ký không nhiều nhận xét, suy nghĩ chủ quan mà ăm ắp tình huống, sự kiện, đối thoại. Đứng ngoài nhặt lấy, chắt lọc, kể lại, đúng là lao động văn xuôi, coi chi tiết nặng hơn hết, chi tiết sẽ phát ngôn hết. Chỉ toàn ý tưởng, cảm quan tác giả, truyện thành thế nào! Cái yêu cầu của thể loại nó nghiệt ngã ở chỗ ấy.

Đường dây - mạch máu nuôi chiến tranh, kẻ ra người vào, thật nhiều sắc thái. Lãng mạn, tình nghĩa, cao cả, những hy sinh, nhường nhịn trong đói khổ, đau đớn. Nhưng lắm chỗ như cái chợ, đảo ngũ, điên dại, chết chóc. "Suốt tuần suốt tháng mặc quần áo ướt". "Các đoàn quân ùn đống lại trong bùn". Người sốt rét "đôi mắt dài, hiền và buồn như của người con gái ngoan đạo"... Nhật ký dường như ít biến cố lớn, những sự kiện vĩ đại, nhưng lặp đi lặp lại những "chuyện thường ngày" kiểu ấy.

Thử tưởng tượng, sau những cực nhọc trên đường, người lính đặc biệt phải tách ra (về mặt tâm lý), ngồi xuống nhớ lại, lọc bỏ, ghi lấy những gì vừa nghe vừa thấy. Lạ, là đối thoại vẫn xuống dòng, câu vẫn đủ thành phần; phải bao nhiêu ý thức về công việc mới lạnh, lì được vậy. Cạnh bộ đội, những đàn bà, trẻ con trên đường dây, có lẽ mang ý nghĩa nhân sinh nhiều hơn, hình như làm Triệu Bôn quan tâm hơn. Số phận bắt nhà văn phải chứng kiến, để rồi có lúc bật lên "Phải viết! Hai tiếng đó lại đang gào thét lên trong lòng tôi". Trở về thời bình, ông bỏ lăn lóc huy chương đáy tủ, nhưng giữ cẩn thận sổ ghi chép, nhật ký, để cho ra những tác phẩm thật nặng lòng như "Cơn co giật của đất", "Ngồi một chỗ"… Quả là Triệu Bôn phải trả giá cho sứ mạng của mình. Những năm cuối đời, bị căn bệnh đau đầu, ông thường ấp ủ viết về một chiến dịch mà khi mở đầu, hậu cần chuẩn bị sẵn 1.000 tấm vải trắng để liệm tử sĩ.

Không biết Triệu Bôn có làm kịp? Nhưng "Nhật ký đi B" cho ta thấy lương tâm của ông, cả phần nhà văn lẫn người lính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương tâm nhà văn - người lính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.