Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách càng nổi tiếng càng bị in lậu

Khải Đăng| 17/08/2014 06:17

(HNM) - Sách lậu là câu chuyện không mới, nhưng hiện nay, những tác phẩm càng nổi tiếng như của các nhà văn Tô Hoài, Sơn Tùng, Đoàn Giỏi, Trần Đăng Khoa... thì càng bị

Bày bán cả sách đã bị thu hồi

Tiểu thuyết "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng vừa bị in lậu 3 lần liên tiếp trong thời gian từ cuối năm 2013 đến quý II năm 2014, với số lượng mỗi lần 1.000 cuốn. Cuốn sách đứng tên NXB Thời đại liên kết với Công ty cổ phần Sách Nhân dân. Ðiều đáng chú ý là trong khi sách có bản quyền của NXB Kim Ðồng được in đầy đủ, có lời tựa của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, minh họa của Văn Cao và lời bạt của PGS Phan Ngọc thì cuốn in lậu đã tước bỏ toàn bộ 3 nội dung trên. Tên tác phẩm là "Búp sen xanh" thì bìa minh họa của tác phẩm vi phạm lại là bông sen... hồng.

Nhiều ấn phẩm in lậu, in trái phép, chưa nộp lưu chiểu vẫn được phát hành tại các nhà sách. Ảnh: Như Ý


"Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng đã được tác giả ký hợp đồng độc quyền khai thác với NXB Kim Đồng trong thời hạn 10 năm (2010-2020). Vì vậy, đây là hành vi vi phạm trắng trợn quyền tác giả. Khi phát hiện bị xâm phạm tác quyền, NXB Kim Đồng đã gửi đơn kiến nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành điều tra làm rõ vụ việc. Sau khi nhận công văn đề nghị giải trình của Cục, ngày 25-7, NXB Thời đại gửi báo cáo, khẳng định không in lậu hoặc tiếp tay cho việc vi phạm bản quyền. Trước sự việc trên, ngày 5-8-2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ban hành quyết định thu hồi các bản sách in trái phép này gửi tới các sở Thông tin và Truyền thông của địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị phát hành sách trên cả nước.

Theo lời ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - cơ quan quản lý cũng đã cho thanh tra đi tìm hiểu sự việc, tuy nhiên, thực tế chưa tìm được bản in lậu cuốn "Búp sen xanh" nào trên thị trường.

Tuy nhiên, anh Mạnh Thắng, một trong số những người phát hiện "Búp sen xanh" in lậu cho biết, anh đã mua cuốn sách "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng đứng tên NXB Thời đại và Công ty cổ phần Sách Nhân dân liên kết phát hành, có hóa đơn đầy đủ tại Nhà sách Tiến Thọ (số 828 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) 2 lần vào các ngày 18 và 30-7-2014.

Khi chúng tôi đến Nhà sách Tiến Thọ thì không thấy cuốn "Búp sen xanh" in lậu đứng tên NXB Thời đại, mà chỉ thấy cuốn "Búp sen xanh" do NXB Văn học và Nhà sách Minh Lâm (số 52 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) liên kết xuất bản năm 2012. Đáng chú ý là từ năm 2013 NXB Kim Đồng đã có công văn gửi NXB Văn học yêu cầu: "Thu hồi tất cả những ấn bản "Búp sen xanh" hiện đang lưu hành trên thị trường trước ngày 1 tháng 4 năm 2013". Ông Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách NXB Văn học đã có công văn trả lời: "NXB Văn học đã làm việc với Nhà sách Minh Lâm về hướng xử lý cuốn "Búp sen xanh" theo đề nghị của NXB Kim Đồng và Nhà sách Minh Lâm đã chấp nhận".

Như vậy, Nhà sách Tiến Thọ hiện đang bán sách "Búp sen xanh" đã có quyết định thu hồi một cách ngang nhiên. Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, cuốn sách "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng bị in lậu đứng tên NXB Thời đại vẫn được bày bán trên thị trường Hà Nội, tại các nhà sách trên phố Trần Quốc Hoàn và phố Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy...

Không riêng nhà văn Sơn Tùng, các tác giả càng nổi tiếng, các tác phẩm càng bị in lậu nhiều. Ngay như nhà văn vừa qua đời Tô Hoài, tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của ông cũng bị in lậu trắng trợn đứng tên NXB Thời đại với nhiều phiên bản khác nhau và cùng đề trên trang xi-nhê: Nộp lưu chiểu năm 2014. Cuốn "Đất rừng phương Nam" của cố nhà văn Đoàn Giỏi cũng có hoàn cảnh tương tự. Hay tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của nhà thơ Trần Đăng Khoa được NXB Hồng Đức phát hành năm 2013...

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Sông Thao, con gái nhà văn Tô Hoài, bất bình cho biết: "Bố tôi vừa qua đời, đây là hành động lợi dụng tên tuổi cụ để kiếm lợi. Sách của cụ bị in lậu rất nhiều chứ không riêng "Dế Mèn phiêu lưu ký". Trước đây có cả cuốn "Ba người khác".

Cơ quan quản lý cũng... kêu khó!

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng rất khó để xử lý sách lậu vì đơn vị chủ quản quá ít người. Với 34 cán bộ, nhân viên, mà phải quản lý thị trường xuất bản phẩm rộng khắp cả nước thì quả như "chim chích lạc rừng". Ông Hòa nói thêm: "Nếu sự việc xảy ra ở Hà Nội, báo chí cũng nên thông báo với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để cùng phối hợp xử lý"(!)

Lý do thiếu nhân lực là điều dễ hiểu nhưng chưa hẳn đã thỏa đáng. Trên thị trường xuất bản hiện nay có quá nhiều ấn phẩm in lậu, in trái phép, chưa nộp lưu chiểu nhưng vẫn ngang nhiên phát hành... Chỉ cần đi một vòng quanh các nhà sách là đã có thể nhận ra không ít những ấn phẩm dạng này. Không có cách nào hơn, ngành chủ quản phải căng mình ra, và phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác để tích cực kiểm tra. Chính sự vào cuộc bất ngờ của cơ quan chức năng sẽ khiến sách lậu trở tay không kịp và có khả năng bị xử lý, còn đợi báo chí hay dư luận lên tiếng thì các cơ sở in, phát hành sách lậu đã kịp ỉm sách, xóa dấu vết và phi tang vật chứng rồi.

Chuyện in lậu đã nói mãi, nhưng chẳng lẽ cứ chấp nhận các đầu nậu ngang nhiên kiếm tiền trên lưng người khác, thiếu tôn trọng độc giả và lợi dụng cả những tên tuổi văn chương đáng kính…?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách càng nổi tiếng càng bị in lậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.