Theo dõi Báo Hànộimới trên

‘Một cuốn sách rác về đạo đức’

Theo Thanh Niên| 14/01/2016 11:46

Đó là nhận xét của TS Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm Khoa Văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về quyển Hồi ký Thương Tín - Một đời giông bão vừa ra mắt độc giả.

Thương Tín và Diễm My tại buổi ra mắt cuốn hồi ký - Ảnh: Ngọc An


Độc giả thất vọng

Nhiều người không thể tin nổi khi Thương Tín kể vanh vách những sự thật tế nhị mà như ông nói là “đắng lòng” về chuyện những người phụ nữ đi phá thai. Vết thương ngày cũ của những người phụ nữ bên ông giờ được chính ông khai quật, đưa ra cho bàn dân thiên hạ biết - chính là điều nhiều bạn đọc chỉ trích Thương Tín “không đáng mặt đàn ông”. Họ thẳng thắn chỉ trích cách Thương Tín đang dùng quá khứ để phục vụ hiện tại, như ông nói là “có thêm thu nhập nuôi con gái nhỏ”, để rồi ông vô tư kể câu chuyện riêng tư vốn dĩ chỉ nên có hai người biết, mượn chuyện “nhân danh sự thật” rồi tự cho mình quyền làm tổn thương, ảnh hưởng đến cuộc sống người khác.

Trên các trang cá nhân, mạng xã hội, diễn đàn, nhiều người càng đọc, càng mổ xẻ sâu hồi ký của Thương Tín thì đều cho rằng họ cảm thấy phản cảm, không có gì đáng để người đời phải học hỏi hay là bài học để các bạn trẻ “đừng đi vào vết xe đổ ấy” như Thương Tín bộc bạch. Như rất nhiều ý kiến trên webtretho, tất cả những gì Thương Tín và người chấp bút Đinh Thu Hiền làm với cuốn hồi ký này “đã làm bay hết những ấn tượng tốt đẹp về nam diễn viên một thời vang bóng”.

Độc giả Phạm Văn Bình nêu ý kiến: “Cục Xuất bản, in và phát hành nên cấm cuốn hồi ký bậy bạ này của Thương Tín. Còn nếu muốn xuất bản thì phải kiểm duyệt, loại bỏ những chi tiết xâm phạm đời tư người khác, trừ những người cho phép Thương Tín kể như Diễm My”.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Tiến Lợi cho rằng: “Không cần biết vì một lý do nào. Nhưng là đàn ông thì không nên lôi những người đàn bà cũ của cuộc đời mình ra để nhắc trong đám đông. Nói chi là viết sách, viết về những người đàn bà đã lên giường, ăn ngủ với mình. Đứng về góc độ tích cực, tôi muốn cuốn sách của Thương Tín như một lời khuyên để các cô gái cảnh tỉnh. Thần tượng cũng là xương là thịt, là trăng là hoa. Hãy cân nhắc kỹ khi thần tượng ai đó để tránh vỡ mộng!”.

Vi phạm bí mật đời tư

PGS-TS Trần Xuân Bình, Chủ nhiệm Khoa Xã hội học, Trường ĐH Khoa học Huế, đưa ý kiến: “Công khai những chuyện bí mật như thế, từ góc độ con người, đã là xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác và vi phạm pháp luật. Đàn ông nói về phụ nữ như thế chứng tỏ không tôn trọng phụ nữ đã yêu thương mình, cũng chẳng tôn trọng bản thân mình. Hơn nữa, điều quan trọng nhất, bằng cách nhắc tới tên của nhân vật trong tự truyện của mình như người thật việc thật, Thương Tín đã đẩy những người này vào nguy cơ bị xã hội kỳ thị, bị bạn đời bạo hành tinh thần. Con mắt dư luận chắc chắn sẽ soi vào họ. Họ sẽ phải chịu nhiều sức ép của dư luận. Những người này giờ cũng đã lớn tuổi, và lâu nay trong mắt gia đình, họ là người không có vấn đề gì. Chuyện công khai này sẽ khiến con cháu, bạn bè gia đình chồng nhìn bằng con mắt khác. Tuy quan điểm về tình dục giờ đã thoáng hơn, tuy nhiên những người ở thế hệ đó cũng chưa thể thoáng như người trẻ. Nên những chuyện như thế sẽ khiến họ như bị lột trần đời tư”.

Theo TS Phạm Xuân Thạch, cuốn hồi ký của Thương Tín tuy không vi phạm luật Xuất bản vì không miêu tả cảnh khiêu dâm, không kích động chống phá nhà nước, nhưng “đây là một cuốn sách rác rưởi về mặt đạo đức”. Đối với những cá nhân liên quan mà sách đó đề cập thì họ có thể khởi kiện bởi đây là vấn đề quyền nhân thân về bí mật đời tư theo luật Dân sự.

Một chuyên gia bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng: “Người phụ nữ viết một bức thư, rồi bức thư lại bị người nhận công bố rộng rãi. Việc này là vi phạm quyền bí mật về thư tín. Đây lại là chuyện chăn gối thì rõ ràng là câu chuyện hoàn toàn riêng tư. Điều đáng lên án ở đây là về đạo đức. Tôi tin rằng số đông độc giả sẽ vô cùng coi thường loại đàn ông ngủ với phụ nữ rồi lại đi kể cho cả xã hội nghe như thế”.

Nhà báo Nông Hồng Diệu, tác giả cuốn Mắc duyên bút mực với hàng loạt bài viết chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng VN, nhận định: “Tự truyện tất nhiên là tôn trọng sự thật nhưng không có nghĩa là sự thật nào cũng phô bày. Nếu muốn thật như đếm thì anh nên viết nhật ký hoặc tự truyện cho cá nhân anh đọc. Một khi đã xuất bản tới tay độc giả, anh phải tính tới sự tiếp nhận cũng như tác động tới bạn đọc. Thương Tín rất tự hào về việc nói lên sự thật. Nhưng có cần nêu cái sự thật về đời mình thế không, nó có lợi gì cho bạn đọc? Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho trào lưu tự truyện ở nước ta. Mọi người chỉ biết kể và ghi lại. Đó không phải là tự truyện. Một cuốn tự truyện tử tế với bạn đọc giống như một tác phẩm văn chương, phải hướng tới những chức năng của văn học nghệ thuật: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí. Tôi xin nhấn mạnh là giải trí một cách thẩm mỹ, chứ không phải giải trí đơn thuần. Sai lầm của ta là cứ nghĩ giải trí là sốc, sex... đưa vào, gây phản cảm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
‘Một cuốn sách rác về đạo đức’

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.