Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ra mắt Tuyển tập của nhà văn, nhà báo liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa

Đình Hiệp| 21/06/2016 11:47

(HNMO) - Nhà xuất bản Công an nhân dân vừa tổ chức buổi ra mắt giới thiệu sách “Lê Vĩnh Hòa - Tuyển tập” của nhà văn, nhà báo liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa.


Đây là một trong những hoạt động của Nhà Xuất bản CAND kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tổng cục Chính trị CAND (18/6/1981 - 18/6/2016), kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016) và tri ân nhà văn, nhà báo liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa, người con của quê hương Nam bộ đã anh dũng hy sinh ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1967 tại Xẻo Dú, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang trong kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.



Nhà văn Lê Vĩnh Hòa, tên thật là Đoàn Thế Hối, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1932 tại Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thuở nhỏ ông theo gia đình từ Bình Định vào Nam, sống ở xã Vĩnh Hòa, thuộc Rạch Giá, Kiên Giang ngày nay. Vì tình yêu với quê hương thứ hai này nên sau này ông lấy bút danh là Lê Vĩnh Hòa, theo tên xã Vĩnh Hòa. Năm 1947 ông công tác thiếu nhi ở xã Vĩnh Hòa Hưng, tỉnh Rạch Giá, sau đó đi học trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố ở huyện U Minh. Năm 1950, do yêu cầu của cách mạng, trường Nguyễn Văn Tố giải thể; đồng chí Dương Quốc Chính xin ông về công tác tại Phân liên khu miền Tây. Năm 1951 ông được phân công về công tác tại Hội Liên Việt Sóc Trăng, phụ trách học sinh. Lúc này bề ngoài ông tạo vỏ bọc xây dựng phong trào thanh niên nhưng bên trong là tổ chức lực lượng quân sự để diệt ác, trừ gian và lập nhiều chiến công xuất sắc. Sau Hiệp định Genevè năm 1954, Lê Vĩnh Hòa được cử ở lại miền Nam, tiếp tục phụ trách thanh vận tại thị xã Sóc Trăng với vỏ bọc là giáo viên trường trung học Trần Văn. Cũng khoảng thời gian này, ông viết văn, viết báo in trên các báo tiến bộ ở miền Nam như Nhân loại, Tiến thủ... Ngày 3-2-1957, ông được kết nạp vào Đảng, với sự giới thiệu của đồng chí Trần Phong Sắc, Phó bí thư Thị ủy Sóc Trăng.

Tháng 10-1958, ông bị địch bắt. Tòa án Quân sự Sài Gòn kết án ông tội xúi giục chống chế độ. Trong 5 năm từ 1958 đến 1963, ông bị giam trong các nhà tù khét tiếng nhất của chế độ Mỹ-Diệm: Sóc Trăng, Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi, nếm trải nhiều cực hình tra tấn tàn khốc và man rợ nhưng vẫn dũng cảm, kiên gan, thủy chung với cách mạng. Cuối năm 1963 ra khỏi nhà tù, sức khỏe suy sụp, ông về lại Sóc Trăng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ông đã liên lạc với tổ chức và trở lại hoạt động.

Ông được bố trí ra vùng giải phóng, công tác binh vận tại Cần Thơ. Tháng 10-1965 ông công tác ở Tiểu ban văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Từ đó ông hòa vào cuộc sống kháng chiến sôi động, hào hùng của quân và dân Nam Bộ, cùng du kích, bộ đội chiến đấu, đồng thời dùng ngòi bút của mình phản ánh trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 7 tháng Giêng năm 1967, ông hy sinh trong một trận đánh lớn tại Xẻo Giá, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, tên ông đã được đặt cho một con đường tại trung tâm thành phố Sóc Trăng và cho Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa tại phường 8, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Lê Vĩnh Hòa bắt đầu viết trong thời gian công tác thanh vận tại Sóc Trăng, năm 1951. Sáng tác thời kỳ này gồm văn xuôi, thơ… ca ngợi sản xuất nuôi quân, ca ngợi du kích, bộ đội... Nhưng văn chương của ông thực sự nở rộ từ năm 1956 trở đi. Trừ khoảng thời gian 5 năm bị giam cầm trong nhà tù của chế độ Ngô Đình Diệm, ông đã viết liên tục cho đến ngày hy sinh, số lượng tác phẩm lên đến hàng trăm, với nhiều thể loại: truyện ngắn, bút ký, tùy bút, phóng tác, thơ; trong đó thành tựu đáng kể nhất là truyện ngắn và bút ký.

Văn chương của ông có thể chia làm hai giai đoạn: từ 1956 đến trước khi bị bắt, tháng 10-1958, viết và xuất bản công khai trong lòng chế độ miền Nam; từ 1964 đến 1966, viết trong vùng giải phóng Tây Nam Bộ. Ông đã in hơn 100 bài báo (truyện, ký, tiểu phẩm, hơn 10 bài thơ và các tập sách “Mái nhà thơ” (truyện ngắn, 1964), “Người tỵ nạn” (văn, thơ 1973), “Lê Vĩnh Hòa" (tuyển tập (1986).

Lê Vĩnh Hòa - Tuyển tập là cuốn sách dựa trên cơ sở cuốn Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang xuất bản năm 1986. Cuộc đời sáng tác của nhà văn liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa tuy rất ngắn nhưng đã để lại khối lượng đồ sộ hơn 100 tác phẩm với ngòi bút giàu tính chiến đấu.

Sống một cuộc đời sôi động, đầy gian khổ, hy sinh ở độ tuổi 35 đang độ chín về tài năng, cầm bút trong những khoảng thời gian ngắn, dồn dập trong 4 năm, nhưng Lê Vĩnh Hòa đã để lại một phong cách văn chương đặc sắc; đồng thời, ông đã góp phần đáng kể định hình nên vóc dáng văn chương Nam Bộ từ sau 1945. Khí phách cha ông với bề dày lịch sử và niềm tự hào của những năm tháng đánh giặc đã tôi luyện ngòi bút của nhà văn thêm rắn chắc và mạnh mẽ. Từ lập trường chính trị, quan điểm sáng tác vì Tổ quốc đến phong cách nghệ thuật sáng đẹp: Lê Vĩnh Hòa là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Trên cơ sở cuốn Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp Hậu Giang xuất bản năm 1986, Nhà xuất bản Công an nhân dân sắp xếp lại và xuất bản cuốn Lê Vĩnh Hòa - Tuyển tập này, nhằm giới thiệu và nhắc nhở người đọc về một tên tuổi văn chương - một liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ra mắt Tuyển tập của nhà văn, nhà báo liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.