Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự nối dài tư duy thông thường

Lam Thu| 23/09/2016 07:50

(HNM) - Giáo sư Ngô Bảo Châu, trong khi trò chuyện về cuốn sách tâm đắc

Giáo sư Ngô Bảo Châu và tác giả Edward Frenkel có những công việc nghiên cứu cùng nhau. Edward Frenkel sinh năm 1968 tại Nga, hiện là Giáo sư toán học tại Đại học California, Berkeley (Mỹ), thành viên của Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Khoa học. Năm 1999, khi Giáo sư Ngô Bảo Châu gặp gỡ Giáo sư Edward Frenkel lần đầu, tác giả "Tình yêu và toán học" đã là một ngôi sao trên bầu trời toán học. Cuốn sách được phát hành, do chính Giáo sư Ngô Bảo Châu viết lời giới thiệu, mở ra một thế giới mới "đẹp đẽ và thanh nhã - thế giới toán học" (Edward Frenkel).



"Tình yêu và toán học" dày gần 400 trang, chia làm hai phần. Phần đầu thuật lại việc tác giả đến với toán học như thế nào, trong đó có chứa đựng phần lịch sử nước Nga. Phần thứ hai nói về công việc của tác giả. Trong sách, tình yêu bất định và toán học minh xác là hai thứ tưởng chừng không thể dung hòa, nhưng được tác giả Edward Frenkel khéo léo hòa trộn vào nhau. Toán học là một thế giới thì đại số, hình học, lý thuyết số, giải tích và vật lý lượng tử chính là những lục địa bí ẩn. Trong đó, lại có những "vật thể kỳ quái". Tài tình thay, tác giả lại dẫn giải như thể chúng sống trong câu chuyện tình yêu thuần khiết, nên rất gần gũi và dễ hiểu.

Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, cuốn sách này không có chút nào về tình yêu theo nghĩa yêu đương thông thường, mà chỉ thuần toán học. Tình yêu ở đây có lẽ là tình yêu đối với toán học. "Tình yêu và toán học" còn là cuộc hành trình cam go tìm đến tự do với góc nhìn của một nhà toán học, bức tranh về xã hội Nga vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Cùng với đó, xã hội tự do kiểu Mỹ hiện lên qua những mảng màu hiện thực đối lập được pha trộn và khắc họa chân thực.

Là một người từng viết tiểu thuyết về toán học - cuốn "Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình" - nên Giáo sư Ngô Bảo Châu có kinh nghiệm viết sách về toán. Ông đánh giá về tác phẩm "Tình yêu và toán học" rất hình tượng rằng: "Edward Frenkel dường như đã tìm được sợi dây mỏng tang giữa hai vực thẳm rồi bước trên sợi dây đấy những bước chân thảnh thơi, giống như ta tản bộ sáng mỗi ngày".

Toán học vốn thường bị suy nghĩ là xa xôi, không gần gũi với thực tế, bởi thế, những cuốn sách chuyên về toán học trở nên khó hiểu, ngay cả với "Tình yêu và toán học" cũng vậy. Nhưng Giáo sư Ngô Bảo Châu lại đưa ra ý kiến khác. Ông cho rằng, toán học chính là sự nối dài tư duy thông thường của chúng ta, giúp cho con người có khả năng diễn đạt logic, suy luận đúng đắn và có thể giải quyết các vấn đề tính toán liên quan con số. “Thực chất, khi suy nghĩ như vậy là tự chúng ta thủ tiêu khả năng con người. Con người cần hàng trăm, hàng nghìn năm để một ý tưởng toán học được hình thành”, Giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự nối dài tư duy thông thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.