Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dòng chảy văn hóa gần gũi và giá trị

Mai Hoa| 29/03/2017 07:25

(HNM) - Cùng với các hoạt động sôi nổi của Hội sách Mùa thu, Mùa xuân, Hội sách Hà Nội, Phố sách..., những mô hình khác như Phiên chợ sách xưa, Hội sách cũ có đóng góp không nhỏ vào việc đưa những cuốn sách giá trị đến bạn đọc với mức giá phù hợp.

Ông Cao Uy tìm mua sách tại Phiên chợ sách xưa.


Những niềm vui bất ngờ

Phiên chợ sách xưa lần thứ 3-2017 vừa được tổ chức tại khu vực Hồ Văn thuộc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ ngày 24 đến 26-3, mang đến cho gia đình tôi bao niềm vui. Với tôi, đó là sự ấm áp khi chợt gặp lại những cuốn sách nhỏ mà mình yêu quý một thời như "Ngõ hẻm dưới ánh trăng", "24h trong đời một người đàn bà", "Tuổi mười bảy", "Giamilia - Truyện núi đồi và thảo nguyên", "Đồi gió hú"... - những cuốn sách in trên giấy đen, cũ, nhắc nhớ một thời học sinh, sinh viên. Với chồng tôi, anh rất bất ngờ khi chợt gặp cuốn "Văn hóa dân gian làng Tri Chỉ". Sách do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chủ trì thực hiện, NXB Lao Động phát hành, in 2.000 cuốn. Đó là niềm vui, là duyên may lớn bởi mẹ chồng tôi sinh ở làng Tri Chỉ (Phú Xuyên, Hà Nội) nhưng cả gia đình chưa từng biết có một cuốn sách về văn hóa dân gian của làng với bao câu chuyện hấp dẫn như thế!

Rất nhiều người đến với Phiên chợ sách xưa cũng có được những niềm vui bất ngờ và thú vị như thế. Ông Cao Uy, người từng có thời gian công tác ở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sống ở Hà Nội từ sau 1954 đến nay, chia sẻ với người viết: "Hễ biết có hội chợ sách cũ nào là tôi tìm đến ngay. Thích đọc sách từ nhỏ, tôi rất muốn tìm mua những cuốn sách một thời gắn bó với mình. Thật cảm động khi nhìn bìa sách, lật giở vài trang là như thấy lại bao kỷ niệm của một thời sôi nổi. Như cuốn "Mùa xuân trên sông Ô Đê", sách từ những năm 1960-1970, cầm trên tay là kỷ niệm ùa về. Có những cuốn sách cũ của những người bạn văn, bạn thơ, nhìn thấy sách như được gặp nhau...".

Tại Phiên chợ sách xưa lần thứ 3, ông Cao Uy mua được hàng chục cuốn. Ông khoe với giọng đầy vẻ tự hào: "Tôi tìm được cuốn Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, bản in lần đầu, có khi ngay cả gia đình nhà văn cũng không còn giữ nữa. Ma Văn Kháng là bạn văn của tôi, tôi từng được đọc bản thảo cuốn này, nay mua về làm quà tặng cũng rất thú vị".

Dòng chảy tri thức gần gũi


Với độc giả Lại Văn Lộc (nghiên cứu viên, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, trước đây công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học thủy lợi), đến với các hội sách cũ là để "tìm lại những cuốn sách hay chưa được tái bản". Ông bày tỏ: "Tôi đặc biệt quan tâm đến mảng sách triết học và tôn giáo. Thích đọc để tăng cường sự hiểu biết và thích sưu tầm, nên tôi rất hay đến các hội sách, cả hội sách cũ và hội sách mới. Các hội sách mới thường thu hút nhiều NXB lớn, lượng sách phong phú, rất dễ chọn lựa. Còn sách cũ có cái hay là nhiều cuốn không còn được tái bản, thành ra hiếm, quý".

Trưởng BTC Phiên chợ sách xưa lần thứ 3, Chủ tịch Hội các nhà sách cũ Hà Nội Phan Mạnh Hà cho biết: "Phiên chợ lần này được tổ chức vào dịp kỷ niệm những ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm "khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt", nên sau khi nghiên cứu các cuốn sách quý của các nhà sách cũ, chúng tôi quyết định đấu giá cuốn "Điện Biên Phủ" có chữ ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và một cuốn sách ảnh - số đặc biệt về Điện Biên Phủ, in năm 1954".

Đây là lần thứ 3 Phiên chợ sách xưa được tổ chức (lần 1 vào tháng 12-2016, lần thứ 2 vào tháng 2-2017). Đan xen với những Phiên chợ sách xưa là những Hội sách cũ ở trong khuôn viên Trường Đại học Văn hóa, Học viện Ngân hàng..., tổ chức với quy mô nhỏ nhưng rất gần gũi với sinh viên. Giá bán sách rất linh hoạt, nếu như bộ sưu tập Đại từ điển Liên Xô (cũ) được niêm yết giá tới 4,5 triệu đồng thì cũng có những tên sách được bán với giá 10.000 đồng/3 cuốn.

Thể loại sách vô cùng đa dạng, từ sách về các vấn đề văn hóa, lịch sử, văn học cho đến sách dạy kỹ năng sống, sách tin học, ngoại ngữ, khảo cứu chuyên ngành... Chính sự vào cuộc của Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây và các nhà sách có tiếng như Hiệu sách Phan Gia, Nhà sách Việt Cường, Hiệu sách Thuật Giải Phóng, Sách cũ 76B Bách Khoa, Sách cũ Tuấn Ninh, Sách cũ Minh Phương - 52 Mai Dịch, Nhà sách Phúc Minh, Nhà sách Mạnh Trưởng 1068 đường Láng... đã mang lại sự phong phú và đa dạng đó.

Hiện nay, các diễn đàn về sách ngày càng có sức lan tỏa, trong đó, diễn đàn sachxua.net thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà sưu tầm, người chơi sách cũ. Đã có những buổi tọa đàm về văn hóa đọc, hoạt động trưng bày sách có sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng... được tổ chức. Những người chơi sách còn tính đến việc hướng dẫn giám định sách miễn phí, bao gồm dạy cách phân biệt "sách giả, sách thật", cách lựa chọn sách đẹp, sách hay.

Ông Phan Mạnh Hà nói: "Không thể ôm quá nhiều việc trong một phiên chợ bởi kinh phí tổ chức còn hạn chế. Chúng tôi sẽ tổ chức những sự kiện nhỏ nhưng có chiều sâu nhằm kết nối người chơi sách, góp phần tạo thêm nhiều hoạt động về sách có ích cho cộng đồng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy văn hóa gần gũi và giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.