Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý dứt điểm lò gạch không đủ điều kiện hoạt động

Bài, ảnh: Thu Hằng| 12/03/2019 07:43

(HNM) - Mặc dù UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định, nhưng đến nay đã quá thời hạn, toàn huyện mới xử lý được 30 lò gạch.

Mặc dù UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định, nhưng đến nay đã quá thời hạn, toàn huyện mới xử lý được 30 lò gạch.

Công nhân đang chuyển gạch mộc vào một lò đốt tại xã Bắc Phú.


Nhiều chủ lò không chấp hành

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, tính đến tháng 5-2018, toàn huyện còn 65 lò gạch nung tại 10 xã, gồm: Bắc Phú, Bắc Sơn, Tân Minh, Xuân Giang, Hồng Kỳ, Tân Dân, Hiền Ninh, Đức Hòa, Minh Phú, Việt Long. Trong đó, xã tồn tại nhiều lò gạch nung nhất là Bắc Sơn 42 lò, Bắc Phú 8 lò, Tân Minh 4 lò... Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, phòng chức năng kiểm tra, thống kê, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp và thông báo lộ trình xử lý các lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, do một số xã chậm triển khai kế hoạch xử lý, thậm chí thiếu quyết liệt trong thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, dẫn đến tiến độ xử lý các lò gạch nung bị chậm.

Tính đến ngày 8-3-2019, toàn huyện mới xử lý được 30/65 lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động; còn lại 35 lò gạch nung ở 7 xã chưa được xử lý, trong đó Bắc Sơn vẫn là đơn vị "dẫn đầu" với 26 lò, Tân Minh 2 lò, Bắc Phú 3 lò... Thực tế của phóng viên những ngày đầu tháng 3-2019 tại các xã Bắc Phú, Bắc Sơn cho thấy, nhiều lò gạch nung nơi đây vẫn ngày đêm đỏ lửa, khói bay nghi ngút. Điểm chung tại các lò gạch này là nguyên liệu và lượng gạch mộc còn rất lớn. Tại khu lò vòng của Hợp tác xã Đại Thắng (xã Bắc Phú), không khí làm việc của công nhân rất khẩn trương. Lượng nguyên liệu và gạch mộc tại khu lò này còn có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất gạch nung trong thời gian dài.

Cần xử lý dứt điểm

Nói về khó khăn trong quá trình xử lý lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Do một số xã thiếu kiên quyết dẫn đến tiến độ xử lý chậm. Hơn nữa, một số chủ cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn đang có đơn kiến nghị xin gia hạn thời gian sản xuất gạch nung theo công nghệ lò vòng đến hết năm 2020, UBND huyện phải tập trung xác minh, giải quyết, trả lời... nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ xử lý (?).

Về phía cơ sở, ông Nguyễn Hữu Hoa, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc xử lý lò gạch không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn, UBND xã đã ban hành thông báo gửi tới các chủ lò yêu cầu ngừng mọi hoạt động, tự giác tháo dỡ, đồng thời thiết lập hồ sơ để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, một số chủ lò còn dư nhiều nguyên liệu, gạch mộc chưa sản xuất, đốt hết nên cố tình chây ỳ, không tháo dỡ lò.

Được biết, hiện nay các xã còn tồn tại lò gạch nung cũng đã thành lập tổ công tác kiểm tra hiện trạng; tập trung tuyên truyền, vận động các chủ lò tự tháo dỡ. Tại xã Bắc Sơn, ông Nguyễn Hữu Hoa, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn khẳng định: “Xã đang tập trung tuyên truyền, vận động các chủ lò tự tháo dỡ, nếu sau ngày 20-3, chủ lò nào cố tình không thực hiện, UBND xã sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định”. Còn tại xã Bắc Phú, UBND xã đã gửi thông báo tới các chủ lò gạch, đang hoàn thiện hồ sơ vi phạm. Do vi phạm của các chủ lò vượt thẩm quyền nên sau khi hoàn thiện hồ sơ, UBND xã sẽ trình UBND huyện ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ các lò gạch nung theo quy định.

Để bảo đảm xử lý dứt điểm các lò gạch nung không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục chỉ đạo UBND các xã còn tồn tại lò gạch nung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ lò nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch không đủ điều kiện hoạt động, tự giác tháo dỡ. Đối với các cơ sở chậm thực hiện, cố tình hoạt động, UBND huyện yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ, xây dựng kế hoạch cưỡng chế, phương án phá dỡ theo đúng quy định, thời gian hoàn thành trong tháng 3-2019. Ngoài ra, huyện cũng giao Phòng Nội vụ kiểm tra, đề xuất xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND các xã và các cá nhân được giao nhiệm vụ không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về xử lý các lò gạch nung trên địa bàn.

Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND huyện Sóc Sơn, việc xử lý lò gạch không đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn sẽ được thực hiện nghiêm, dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dứt điểm lò gạch không đủ điều kiện hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.