Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai phạm từ buông lỏng quản lý

Bảo Nga - Hoài Thanh| 29/10/2019 07:40

(HNM) - Hàng trăm công trình xây dựng vi phạm, nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng hoạt động không phép, nhà xưởng, hàng quán hình thành ngay trong hành lang bảo vệ đê sông Cà Lồ… Đây là thực trạng đang diễn ra tại huyện Sóc Sơn từ nhiều năm nay và hiện chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt” do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Nhiều công trình xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê tả Cà Lồ tại thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ.

Vi phạm nhiều, xử lý ít

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại địa bàn xã Kim Lũ cho thấy, dọc theo tuyến đê dài hơn 1km từ thôn Kim Hạ đến thôn Kim Thượng có rất nhiều trường hợp xây dựng, lấn chiếm hành lang đê sông Cà Lồ.

Tại thôn Kim Hạ, một bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép ngang nhiên tồn tại ngay sát mặt đê. Cát, sỏi, vật liệu xây dựng được chủ bãi tập kết ngay trong khu vực hành lang đê để thuận tiện cho việc chuyên chở.

Tại thôn Kim Thượng, hàng chục ngôi nhà cao tầng nằm san sát ngay trong hành lang thoát lũ sông Cà Lồ. Cảnh buôn bán, sinh hoạt tại đây diễn ra nhộn nhịp khiến người dân địa phương vẫn gọi là “phố đê”.

Ngoài ra, dọc tuyến đê trên địa bàn xã Kim Lũ còn tồn tại hàng chục xưởng mộc với hàng trăm mét khối gỗ được tập kết ngay trên mặt đê, lượng xe tải vào, ra các xưởng mộc này tấp nập suốt ngày đêm.

Tại xã Xuân Thu, tình trạng đổ phế thải xây dựng, tập kết gỗ, phế liệu, đổ rác sinh hoạt trong phạm vi bảo vệ đê, mái đê và ở bờ bãi sông tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, tập trung ở vị trí K2+000 - K7+00 đê tả Cà Lồ.

Theo thống kê của Hạt quản lý đê số 7 (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội), huyện Sóc Sơn có 32,8km đê cấp 3 do thành phố quản lý, gồm đê Hữu Cầu và Tả Cà Lồ, chạy qua địa bàn 9 xã. Nếu năm 1996, toàn huyện chỉ có gần 400 công trình xây dựng vi phạm hành lang đê, thì đến nay con số này đã lên đến trên 800 công trình. Trong khi hàng trăm vụ vi phạm hành lang đê tồn tại từ nhiều năm qua chưa được xử lý dứt điểm thì từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện phát sinh thêm 28 vụ vi phạm mới.

Vụ việc điển hình là bến bãi hoạt động kinh doanh cát, sỏi tại thôn Kim Hạ, xã Kim Lũ do ông Nguyễn Văn Phúc làm chủ, có diện tích 1.280m2, gồm 600m2 đất công do UBND xã quản lý; còn lại là đất nông nghiệp của các hộ trong thôn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vi phạm của ông Nguyễn Văn Phúc, ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp nằm trong hành lang bảo vệ đê để làm bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Phúc là hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Công Kết, Chủ tịch UBND xã Kim Lũ đã thừa nhận các vụ việc vi phạm kể trên, nhưng khẳng định: "UBND xã đã xử lý triệt để 3 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng mới phát sinh".

Tuy nhiên, trái với phát ngôn của Chủ tịch UBND xã Kim Lũ, báo cáo mới nhất của Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay toàn huyện mới xử lý được 7/28 vụ vi phạm mới. Trong đó, xã Kim Lũ “đứng đầu” với 8 trường hợp vi phạm và là xã duy nhất chưa xử lý được bất cứ trường hợp nào!

Tìm giải pháp xử lý dứt điểm

Về nguyên nhân xảy ra hàng loạt vụ vi phạm đê điều trên địa bàn, bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, Luật Đê điều được ban hành năm 2006, trong khi dọc các tuyến đê người dân đã sinh sống từ nhiều thế hệ. Toàn huyện có trên 32km đê nhưng chỉ có trên 8km hành lang. Việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê chưa được thực hiện, ranh giới giữa hành lang bảo vệ đê và khu vực dân cư chưa có, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý đê điều.

Về mặt quản lý nhà nước, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng thừa nhận: Công tác phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm của các xã còn quá yếu, thiếu kiên quyết, có biểu hiện nể nang, né tránh trách nhiệm. Công tác phối hợp của UBND xã với các phòng, ban liên quan thiếu chặt chẽ, việc xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai xử lý vi phạm rất sơ sài, mang tính hình thức.

Mặt khác, các vụ vi phạm thường được thực hiện ngoài giờ hành chính và trong các ngày nghỉ, dịp lễ, Tết dẫn đến việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm chưa kịp thời và hiệu quả.

Nói về các giải pháp xử lý dứt điểm các sai phạm nói trên, bà Vi Thị Bình Anh cho biết, tại cuộc họp giao ban định kỳ giữa tháng 10 vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng, đặc biệt là các xã có đê phải kịp thời phát hiện, giải tỏa dứt điểm các trường hợp vi phạm ngay từ đầu. Với những trường hợp vượt thẩm quyền, xã cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, chuyển Đội Thanh tra xây dựng huyện để tham mưu UBND huyện xử lý. Với các vi phạm phát sinh mới trong năm nay, hướng của UBND huyện là sẽ xử lý dứt điểm trong tháng 11-2019.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 7 kiến nghị các cấp, ngành thành phố quan tâm xây dựng đường hành lang ven đê. Đây là biện pháp tiên quyết nhằm phân định “mốc giới” giữa hành lang bảo vệ đê điều và đất thổ cư, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước. Cùng với đó, cơ quan quản lý cần xem xét, điều chỉnh theo hướng cho phép phá dỡ các công trình vi phạm để giải phóng hành lang đê điều bị xâm hại, thay bằng việc phạt tiền như quy định hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm từ buông lỏng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.