Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm trật tự xây dựng: Giảm mạnh về số vụ

Dạ Khánh| 06/12/2018 06:15

(HNM) - Tính đến tháng 11-2018, trong tổng số 16.885 công trình xây dựng ở Hà Nội, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 891 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 5,28%.

Thanh tra xây dựng giám sát tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải


Điểm sáng của ngành Xây dựng Thủ đô

Tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Xây dựng Hà Nội mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đến hết tháng 11-2018, trên địa bàn thành phố phát sinh 16.885 công trình xây dựng. Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 891 trường hợp vi phạm, chiếm 5,28%.

So với năm 2016 và 2017, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2016 có 2.469 công trình vi phạm/19.138 công trình đã kiểm tra (chiếm 13,9%). Năm 2017, có 1.916 công trình vi phạm/17.422 công trình kiểm tra (chiếm 10,99%).

Việc xử lý vi phạm tồn đọng cũng được thực hiện quyết liệt. Đến nay, đã xử lý 365/409 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trong các năm 2015-2016 (đạt tỷ lệ 89%); xử lý 493/552 trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” hình thành từ năm 2005 đến nay (đạt tỷ lệ 89,31%)...

Cùng với công tác phát triển nguồn, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch tới người dân khu vực nông thôn, thì công tác quản lý trật tự xây dựng được đánh giá là 1 trong 2 điểm sáng của ngành Xây dựng Hà Nội trong năm qua. Điểm sáng này thể hiện trên cả 3 phương diện: Giảm mạnh số công trình xây dựng vi phạm mới; giảm số công trình xây dựng tồn đọng đã xử lý và giảm số vụ vi phạm mang tính quy mô lớn.

Trong đó không còn xảy ra các trường hợp xây vượt hẳn 2-3 tầng so với giấy phép để rồi xử lý bằng cách “cắt ngọn” như trước đây. Không có trường hợp mọc thêm hẳn một tòa chung cư 18 tầng so với quy hoạch được duyệt. Đa số các trường hợp là vi phạm nhỏ như: Đua ban công, lô gia, mở rộng diện tích tầng lửng, tầng tum. Tại các dự án lớn, chủ yếu là vi phạm sau đầu tư như quản lý, vận hành nhà chung cư. Các vi phạm trong việc "cống hóa" mương Nghĩa Đô, Phan Kế Bính cũng đã được xử lý bước đầu.

Các quận, huyện làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong năm qua phải kể đến Long Biên, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức. Đây cũng là các đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng tặng bằng khen trong năm nay.

Ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, chuyển biến tích cực tại Bắc Từ Liêm là nhờ sự chủ động trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Để tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ban hành Quyết định 5224/QĐ-UBND quy định rõ quy trình xử lý, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Cùng với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền cũng được nâng cao nên nhân dân có ý thức hơn.

Hiệu quả từ tinh thần “5 rõ”

Quận Long Biên là địa phương làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong ảnh: Việc xây dựng nhà ở trên phố Trường Pháp, phường Ngọc Thụy được thực hiện gọn gàng, quy củ.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng giảm liên tiếp trong 3 năm gần đây là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố. Cụ thể, cùng với việc thực hiện Chương trình 07-CTr/TU (ngày 16-4-2016) của Thành ủy, chuyên đề “Rà soát, công khai, minh bạch trong lĩnh vực thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng” đã được triển khai mạnh tới cơ sở.

Bên cạnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng luôn được HĐND thành phố đặc biệt quan tâm, là một trong những nội dung được đưa vào chất vấn tại các kỳ họp của HĐND. Đồng thời, nhằm tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch trên địa bàn, UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch 125/KH-UBND (ngày 1-6-2017).

Theo đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố giao một Phó Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch; đồng thời họp quán triệt, giao nhiệm vụ đến các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả.

Công tác phân định, xác định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng được xác định cụ thể. Đáng chú ý là việc điều chuyển lực lượng thanh tra xây dựng về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý từ tháng 7-2018 đến nay cũng đang phát huy hiệu quả. Đây là lực lượng nòng cốt giúp chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn. Nhờ vậy, gần như 100% các công trình xây dựng được kiểm tra, vi phạm được lập hồ sơ xử lý kịp thời.

“Nhìn chung, từ khi thực hiện Kế hoạch 125/KH-UBND, các đơn vị đã khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, tăng cường trách nhiệm của cấp huyện, cấp xã trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Do vậy, đã ngăn chặn, xử lý và giải quyết nhiều trường hợp vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng” - ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã. Nơi nào người đứng đầu địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác quản lý trật tự xây dựng tại nơi đó hiệu quả.

Theo đó, số lượng, mức độ vi phạm ít, việc xử lý vi phạm được kịp thời, triệt để. Do đó, thời gian tới cần có sự giám sát hơn nữa của các ban, ngành chức năng, cũng như của cộng đồng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm trật tự xây dựng: Giảm mạnh về số vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.