Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất ở

Ánh Dương| 11/02/2019 07:25

(HNM) - Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở, một số quận, huyện có hiệu quả thấp khiến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố còn nhiều khó khăn...

Khu đấu giá quyền sử dụng đất phát triển làng nghề Thượng Thôn (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng). Ảnh: Trần Lê


Mặc dù kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất toàn thành phố năm qua vượt 197,95 tỷ đồng so với năm 2017, nhưng cũng chỉ đạt 59,47% kế hoạch của năm 2018. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trước đây, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất được xây dựng hằng năm, nhưng từ năm 2018, thành phố xây dựng kế hoạch giai đoạn 3 năm (2018-2020) dẫn đến các quận, huyện, thị xã chậm thực hiện công tác đấu giá so với cùng kỳ.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân: Một số địa phương chưa rà soát kỹ quỹ đất để bảo đảm tính khả thi dẫn đến đăng ký kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất cao hơn so với khả năng thực tế thực hiện; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; khi lập quy hoạch cho các khu đất phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, các quận, huyện, thị xã chưa rà soát bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng tiết kiệm hiệu quả quỹ đất dẫn đến phải rà soát lại, làm chậm tiến độ công tác đấu giá…

Đơn cử, quận Hoàng Mai có kết quả thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất thuộc diện thấp của thành phố. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Tuấn Đạt chia sẻ: Dự án đấu giá quyền sử dụng ô đất nhà vườn ĐNV1, 2, 3 trên địa bàn quận được triển khai từ năm 2004, nhưng do vướng mắc về nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng nên đến năm 2008 và năm 2018, quận mới tổ chức đấu giá được ô ĐNV1 và 2. Riêng ô ĐNV3 do hạ tầng kỹ thuật thoát nước liền kề Nghĩa trang Ao Đường (thuộc địa bàn phường Hoàng Văn Thụ) nên phải chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết...

Còn tại địa bàn huyện Gia Lâm, việc xác định ranh giới thực hiện dự án đất đấu giá khó chính xác do hệ thống bản đồ từ những năm trước khi áp vào thực tế không khớp bởi phát sinh nhiều biến động. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: Khó khăn nhất là quá trình xác định nguồn gốc đất, ranh giới đất công xen kẹt trong khu dân cư. Ngoài ra, có những dự án đất đấu giá khi lập quy hoạch chi tiết vấp phải việc chưa thống nhất được ý kiến người dân...

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Vũ Xuân Tùng cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt phù hợp quy hoạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, khẩn trương xử lý tồn tại về đất đai theo quy định của pháp luật nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách, đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai.

Đối với những dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô diện tích dưới 5.000m2, khi lập/phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng cần phù hợp với quy hoạch chi tiết của khu vực; quy hoạch chi tiết của cả ô đất cần bảo đảm khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu vực và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất. Đối với tình trạng chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì không thực hiện chia nhỏ ô đất để đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, trong trường hợp không bảo đảm bố trí đủ nguồn vốn thực hiện toàn bộ quy hoạch hoặc chưa hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án... các địa phương có thể phân kỳ, hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất để tổ chức đấu giá từng phần và quay vòng vốn thực hiện các diện tích còn lại của dự án...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất ở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.