Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia rẽ sâu sắc vì “Brexit”

Thùy Dương| 19/06/2016 07:13

(HNM) - Sự kiện nữ Nghị sĩ Jo Cox bị sát hại trong lúc vận động cử tri ủng hộ việc Anh tiếp tục là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đã làm chấn động dư luận.

Cho dù chưa có kết luận cuối cùng về động cơ gây án của hung thủ Thomas Mair, nhưng cái chết của chính trị gia có quan điểm gắn kết Anh với EU ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý - dự kiến diễn ra vào ngày 23-6, về tương lai của London cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong lòng quốc đảo mù sương về vấn đề có hay không ở lại EU.

Hoa đặt trước di ảnh của nữ Nghị sĩ Jo Cox, người bị sát hại khi vận động cử tri Anh ở lại EU.


Cả phe ủng hộ cũng như phản đối việc Anh rời EU (Brexit) đã đình chỉ chiến dịch vận động. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sẽ rất khó đoán kết quả khi sự ủng hộ dành cho hai phe sít sao và phía theo Brexit nhỉnh hơn một chút. Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo: Dù kết quả thế nào thì chính trường và xã hội Anh cũng sẽ bị chia rẽ sâu sắc. Với sự nổi lên của các lực lượng cực đoan, nước Anh có thể sẽ phải đối diện với các nguy cơ bất ổn an ninh mới, mà vụ nghị sĩ Cox bị sát hại đang mang lại nhiều nghi ngại.

Theo kết quả khảo sát do Báo Độc Lập (The Independent) công bố, hơn 55% số cử tri Anh dự định ủng hộ Brexit, cao hơn 10% so với tỷ lệ phản đối và đây là mức dẫn điểm lớn nhất của phía ủng hộ Brexit trong một năm qua. Kết quả này không quá bất ngờ vì người dân Anh từ lâu đã có xu hướng tách khỏi Châu Âu, khi coi Anh là một đảo quốc có những truyền thống và bản sắc riêng. Mặt khác, chủ nghĩa hoài nghi Châu Âu tiếp tục len lỏi vào tư tưởng của một số thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron cũng như người dân nước này. Đáng chú ý, có đến 5 bộ trưởng trong Chính phủ của ông D.Cameron và hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp Anh đứng về phía Brexit. Một bộ phận người dân xứ Sương mù cho rằng, mối quan hệ với EU không mang đến lợi ích và thậm chí còn khiến nước Anh phải chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề người nhập cư. Một nước Anh tự do và tự chủ hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định cứng nhắc trong EU, không phải chịu hậu quả từ những bất ổn và bê bối xảy ra ở các nước thành viên khác, có quyền quyết định mọi vấn đề mà không cần sự đồng ý của 27 nước khác... là viễn cảnh được không ít người dân Anh hy vọng khi nước này rời khỏi “ngôi nhà chung”.

Ngược lại, những người muốn Anh ở lại EU cho rằng, sẽ thiệt hại lớn nếu từ bỏ những gì London đang được hưởng với tư cách thành viên EU trong hơn 40 năm qua. Hàng loạt số liệu cụ thể về mức độ thiệt hại đã được tổng hợp, cả trước mắt lẫn lâu dài. Theo đó, nếu "chia tay" EU, Anh sẽ bước vào "một thập niên bất ổn". Nền kinh tế lớn thứ hai Châu Âu sẽ tuột dốc trong 5 năm tới và chịu tổn thất đến 100 tỷ bảng - tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GDP sẽ giảm từ 4% đến 10% do thất thu về thương mại và tài chính, đồng bảng mất giá 20%, gần 1 triệu người lao động mất việc làm do hàng trăm doanh nghiệp rời khỏi Anh... Đặc biệt, London sẽ mất đi vai trò "trái tim" tài chính Châu Âu và lợi thế là cánh cổng kết nối thị trường thế giới với Lục địa già.

Rời khỏi "ngôi nhà" với 28 thành viên cũng đồng nghĩa với việc nước Anh phải "làm lại từ đầu" trong hàng loạt lĩnh vực, điều có thể đẩy London vào thời kỳ xáo trộn. Chính phủ của Thủ tướng D.Cameron cảnh báo rằng khi người dân chọn con đường "dứt áo ra đi", nước Anh có thể sẽ phải mất tới 10 năm để giải quyết mọi vấn đề. Ngoài các thách thức kinh tế, việc London ở lại hay rời khỏi EU đều liên quan chặt chẽ với số phận chính trị của Thủ tướng D.Cameron và đảng Bảo thủ. Trong ngắn hạn, cuộc trưng cầu dân ý sẽ tạo ra những rắc rối ngay lập tức đối với Chính phủ Anh.

Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, thảm kịch của Nghị sĩ Jo Cox có thể thay đổi tâm lý cử tri và tăng cơ hội để nước Anh tiếp tục là thành viên EU. Nhưng trong một kịch bản xấu nhất, nếu nước Anh rời khỏi EU, đây sẽ là một vụ “ly dị” đầy rắc rối khiến cả xứ sở Sương mù, EU và thậm chí là kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chia rẽ sâu sắc vì “Brexit”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.