Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một Trung Đông đầy biến động

Minh Hiếu| 29/12/2017 07:08

(HNM) - Năm 2017 tiếp tục là một năm đầy biến động đối với Trung Đông khi nơi này vẫn là tâm điểm của hàng loạt vấn đề quốc tế như cuộc nội chiến dai dẳng ở Syria, nỗi lo khủng bố, sự hiện diện của các nước lớn và mâu thuẫn nội tại trong khu vực vốn đã nhiều rối ren.

Năm 2018 được dự báo tiếp tục chứng kiến những diễn biến phức tạp tại Trung Đông.


Sự kiện các nước Arab vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đã phần nào phản ánh tình hình khu vực do sự tranh giành ảnh hưởng giữa một bên là các nước Hồi giáo dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và một bên là các nước Hồi giáo dòng Shiite do Iran chi phối. Theo các nhà phân tích, vai trò ngày càng được chú trọng của Qatar cùng một số chính sách không tương đồng với các nước lớn trong khu vực là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng. Bên cạnh đó, chính quyền Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng không hài lòng với đường lối đối ngoại của Qatar theo hướng tăng cường quan hệ với Iran.

Trong khi đó, nhờ những nỗ lực quốc tế, cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông đã đạt thành tựu quan trọng khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bật khỏi nhiều quốc gia. Việc Nga can dự quân sự vào Syria đã tạo bước ngoặt căn bản trong cuộc chiến chống IS tại đây và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố rút dần lực lượng quân sự nước này đang đóng tại Syria sau khi đã hoàn thành sứ mệnh đẩy lùi các tay súng IS. Tuy nhiên, nguy cơ "bóng ma" khủng bố trỗi dậy vẫn hiện hữu. Khoảng trống quyền lực và an ninh ở những quốc gia bất ổn luôn là mảnh đất màu mỡ để các phần tử khủng bố tập hợp lực lượng và gieo rắc những tư tưởng cực đoan.

Tiếp nối thắng lợi của chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông, những nỗ lực trong việc bảo đảm an ninh, tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề nóng đã giúp vị thế và tầm ảnh hưởng của Nga tại vùng đất chiến lược này ngày càng nâng cao. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhất trí tổ chức Đại hội dân tộc Syria tại TP Sochi của Nga vào cuối tháng 1-2018. Người tị nạn Syria đã bắt đầu quá trình hồi hương với số lượng nhỏ vào năm 2017 và tiến trình này có thể tăng tốc trong năm 2018. Quá trình trở về của người Syria sẽ được ưu tiên trong các cuộc đàm phán hòa bình và có tác động đáng kể tới nỗ lực tái thiết và duy trì trật tự quốc gia này trong tương lai. Nga cũng cải thiện mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau một thời gian dài căng thẳng về ngoại giao.

Trong khi sự hiện diện của Nga tại Trung Đông ngày càng được củng cố, khoảng cách giữa Mỹ với các nước trong khu vực lại gia tăng. Giới quan sát từng kỳ vọng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn một nước Trung Đông là Saudi Arabia làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị ông chủ Nhà Trắng đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ sẽ có vai trò mạnh mẽ hơn tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ lại nhiều lần vấp phải chỉ trích vì những quyết định khó đoán định và gây hoang mang. Tổng thống D.Trump đã đe dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5 + 1 (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) với cáo buộc Tehran tài trợ khủng bố, bất chấp việc thỏa thuận này được coi là góp phần duy trì sự ổn định và hòa bình khu vực. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới cũng xem quyết định của ông chủ Nhà Trắng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là không có hiệu lực pháp lý và hủy hoại các nỗ lực hòa bình, tạo cơ hội thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan, đồng thời coi đây là sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò là một nhà bảo trợ của tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Chiếm tới 60% lượng dầu mỏ và 40% lượng khí đốt của thế giới, không khó hiểu khi Trung Đông vẫn luôn là khu vực đóng vai trò quan trọng, tồn tại sự đan xen lợi ích và tranh giành tầm ảnh hưởng của các cường quốc. Do đó, bàn cờ chính trị Trung Đông trong năm 2018 chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một Trung Đông đầy biến động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.