Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự khởi đầu không suôn sẻ

Thùy Dương| 06/02/2018 06:24

(HNM) - Chuyến công du đầu tiên đến Mỹ Latinh của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang gặp nhiều sóng gió khi Venezuela, Mexico và Trung Quốc đồng loạt lên tiếng phản đối những bình luận của ông về khu vực này.

Trong một bài phát biểu trước chuyến thăm Mexico, Argentina, Peru, Colombia và Jamaica, ông R.Tillerson đánh giá Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất với Chile, Argentina, Brazil và Peru. Tuy nhiên, Chính phủ các quốc gia này có trách nhiệm phải bảo đảm chủ quyền, không nên quá chào đón Trung Quốc đến khu vực. Ngoại trưởng R.Tillerson bày tỏ quan ngại trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Mỹ Latinh và cảnh báo các nước trong khu vực tránh xu thế phụ thuộc. Ông nhấn mạnh, không giống Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm "lợi ích nhanh chóng", Washington muốn xây dựng quan hệ hợp tác cùng có lợi, phục vụ sự thịnh vượng của Tây bán cầu.

Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại cuộc gặp.


Đáp lại tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh dựa trên những lợi ích và nhu cầu chung. Vì thế, những gì Mỹ nói là sai sự thật và cho thấy sự không tôn trọng nhiều quốc gia tại Mỹ Latinh. Trung Quốc là khách hàng quốc tế lớn của Mỹ Latinh về nhiều mặt hàng và nhập khẩu ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp từ khu vực này. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh dựa trên cơ sở bình đẳng, hỗ trợ lẫn nhau, cởi mở và toàn diện. Việc Trung Quốc đầu tư và hợp tác kinh tế tài chính với các nước Mỹ Latinh phù hợp với quy định thương mại cũng như luật pháp địa phương. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, việc phát triển quan hệ giữa Trung Quốc - Mỹ Latinh không nhằm vào hoặc loại bỏ bất kỳ bên thứ ba nào, cũng không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ ba ở Mỹ Latinh.

Trong chặng dừng chân tại Mexico - quốc gia đầu tiên trong chuyến công du Mỹ Latinh, nhà ngoại giao Mỹ dù không nêu cụ thể hành động quân sự nhưng nhắc lại lời kêu gọi Tổng thống Nicolas Maduro tiến hành bầu cử tự do và công bằng. Ngoại trưởng R.Tillerson còn tuyên bố, Washington đang xem xét hạn chế nhập khẩu dầu thô của Venezuela và xuất khẩu sản phẩm tinh chế từ dầu sang nước này, nhằm gây áp lực với Tổng thống N.Maduro. Các nhà phân tích nhận định, những hạn chế áp dụng với dầu mỏ, sẽ khiến áp lực tài chính mà quốc gia thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải chịu tăng lên.

Ngay lập tức, Venezuela đã lên án mạnh mẽ bình luận của Ngoại trưởng Mỹ R.Tillerson, với nhiều tuyên bố can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela. Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ có thể ảnh hưởng đến những diễn biến tích cực gần đây, khi chính phủ và phe đối lập đang đạt được nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán để ổn định đất nước. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López ra thông cáo bác bỏ tuyên bố của Ngoại trưởng R.Tillerson cho rằng, quân đội Venezuela có thể lật đổ Tổng thống N.Maduro. Trong khi Bộ Ngoại giao Venezuela cũng ra công hàm phản đối những tuyên bố của ông R.Tillerson chống nước này trong chuyến công du tới Mỹ Latinh.

Chuyến công du của nhà ngoại giao Mỹ R.Tillerson (từ ngày 1 đến 7-2) nhằm khẳng định những ưu tiên của Mỹ với khu vực Mỹ Latinh. Bất chấp những mâu thuẫn về vấn đề nhập cư và thương mại, Mỹ Latinh vẫn là đối tác quan trọng, bền vững của Washington. Ngoại trưởng R.Tillerson cam kết, chính quyền Tổng thống Donald Trump trong và sau năm 2018 sẽ theo đuổi ba trụ cột trong quan hệ gắn kết giữa Mỹ với khu vực, là thịnh vượng kinh tế, an ninh, quản trị dân chủ. Dù kỳ vọng Washington sẽ thổi "làn gió mới" vào mối quan hệ với các đối tác khu vực Mỹ Latinh nhưng dường như sự khởi đầu đã không suôn sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự khởi đầu không suôn sẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.