Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành: Chuyển mạnh sang hậu kiểm

Khánh Vũ| 30/10/2018 06:53

(HNM) - Thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Nghị quyết 75/NQ-CP ngày 9-8-2017 của Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra trước khi thông quan.

Nhiều loại hàng hóa đã được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ảnh: Minh Đức


Chỉ tiền kiểm sản phẩm có nguy cơ cao

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhiều phần việc liên quan tới chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể, yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan liên quan chuyển đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung. Cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, từ năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác rà soát sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có nguy cơ rủi ro thấp để chuyển sang hậu kiểm. Một số ít nhóm hàng hóa vẫn nằm trong diện phải tiền kiểm trước khi nhập khẩu là những sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn cho cộng đồng, cho môi trường và xã hội.

Chủ trương nói trên giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trước đây, các quy định về kiểm tra chuyên ngành rất phức tạp, gồm yêu cầu hàng hóa nhập khẩu trước khi thông quan phải được kiểm tra không chỉ về chất lượng mà còn phải được kiểm dịch, kiểm tra hiệu suất năng lượng, an toàn thực phẩm…, dẫn đến tăng chi phí và thời gian thực hiện đối với doanh nghiệp.

Với những cải tiến về thủ tục, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Hiện nay, nhóm hàng hóa phải kiểm tra (tương ứng 20 loại sản phẩm cụ thể) trước khi thông quan là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phương thức đánh giá sản phẩm, hàng hóa tại nguồn thay vì kiểm tra theo lô hàng cũng giúp giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp. Thời gian kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu để thông quan cũng giảm từ 3 ngày xuống còn 1 ngày, vượt yêu cầu về thời gian của nhóm nước ASEAN 4 (là 90 giờ). Ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương cũng được Chính phủ đánh giá là đạt kết quả tích cực trong cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Có cơ chế hậu kiểm chung

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, để đạt được những kết quả nói trên, với tư cách là đầu mối triển khai nhiệm vụ, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã nghiên cứu, đề ra một cơ chế hậu kiểm chung cho toàn bộ nhóm sản phẩm, hàng hóa, tạo cơ sở để các bộ, ngành áp dụng với từng nhóm sản phẩm, hàng hóa cụ thể của mình. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Theo đó, mức xử lý vi phạm đã được nâng lên để phù hợp với Luật Xử phạt vi phạm hành chính, đặc biệt là quy định về các mức phạt tiền từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ tùy thuộc vào hành vi vi phạm liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc này bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm, nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ về giải pháp triển khai thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra một cách hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành để tiếp tục tìm ra những vấn đề còn tồn tại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh việc xã hội hóa các hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Mặc dù Bộ Khoa học và Công nghệ trong thời gian qua đã chỉ định 70 tổ chức đánh giá sự phù hợp khác nhau song hoạt động này cần được lan tỏa tới các bộ, ngành khác để doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn các tổ chức phục vụ mình cũng như đáp ứng yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành ngày một tốt hơn. Đặc biệt, thực tế cho thấy phải đẩy mạnh các hoạt động thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức đánh giá sự phù hợp ở trong nước và nước ngoài; triển khai cơ chế đánh giá tại nguồn với những sản phẩm hàng hóa được nhập khẩu nhiều vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy áp dụng cơ chế một cửa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành: Chuyển mạnh sang hậu kiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.