Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng nhân dân

Thành Tâm| 03/04/2019 06:29

(HNM) - Báo cáo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng, song để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, các cấp chính quyền còn rất nhiều việc phải làm.

Mô hình quản trị điện tử mang lại nhiều tiện ích cho cá nhân, tổ chức. Ảnh: Nhật Nam


Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội tham dự hội nghị công bố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Hài lòng hơn nhưng vẫn còn nỗi lo

Báo cáo PAPI 2018 là sản phẩm hợp tác nghiên cứu của UNDP tại Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA).

Báo cáo thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc. Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, báo cáo PAPI năm 2018 ghi nhận những ý kiến tích cực của người dân về một số lĩnh vực, như việc tiếp cận dịch vụ công, cơ sở hạ tầng căn bản... Người dân cũng hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền. Ở cấp cơ sở, chỉ số về trách nhiệm giải trình với người dân được đánh giá là có nhiều dấu hiệu tích cực, thể hiện qua việc số người gặp gỡ cán bộ, công chức cấp cơ sở tăng lên và những cuộc gặp đó được cho là đem lại kết quả trong giải quyết yêu cầu, kiến nghị của người dân địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những nội dung được cải thiện, kết quả PAPI cũng cho thấy mối lo ngại của người dân về một số vấn đề, lĩnh vực vẫn ở mức cao. Trong đó, dù được đánh giá là có nhiều tiến bộ, tăng trưởng nhưng những lo ngại về mức sống, vấn đề đói nghèo, tệ tham nhũng vẫn còn. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, so với những năm trước, mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế, an ninh, trật tự và chất lượng giáo dục gia tăng.

Ngoài những chỉ số nội dung được sử dụng từ nhiều năm trước, PAPI năm 2018 có một số bổ sung, điều chỉnh. Trong đó, đáng chú ý là nội dung về quản trị môi trường được chú trọng như một trong những yêu cầu của phát triển bền vững. Kết quả phân tích cho thấy, đa số người dân ủng hộ bảo vệ môi trường, cho dù phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, người dân cũng bày tỏ lo lắng về sự xuống cấp của chất lượng nguồn nước. Chỉ số PAPI năm 2018 rất khó để so sánh với năm 2017 do cơ quan nghiên cứu đã có những thay đổi trong cách thức, nội dung khảo sát.

Đối với Hà Nội, chỉ số PAPI năm 2018 của thành phố về tổng thể vẫn ở nhóm thấp điểm, đạt 42,32 điểm (thang điểm 80). Trong số đó, bên cạnh những chỉ số vẫn đạt mức khá như thủ tục hành chính công (7,50 điểm) và cung ứng dịch vụ công (6,93 điểm), 2 chỉ số nội dung mới là quản trị môi trường và quản trị điện tử của thành phố đạt mức điểm dưới trung bình. Tuy nhiên, với chỉ số quản trị điện tử, dù chỉ đạt 3,32 điểm song Hà Nội vẫn nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao... Về điểm số PAPI của Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng, việc vận hành bộ máy lớn như ở Hà Nội thực sự là một khó khăn.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các mặt công tác

Về kết quả PAPI năm 2018, theo cơ quan nghiên cứu, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh, điểm yếu riêng và không địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Nhưng nhìn chung, như chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, dữ liệu của PAPI được cho là diễn đàn để người dân bày tỏ những mối quan tâm, băn khoăn và qua đó để các cấp chính quyền hiểu được kỳ vọng của người dân; để các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và người dân cùng đồng hành xây dựng Chính phủ kiến tạo, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nội dung về quản trị môi trường trong chỉ số PAPI 2018 được chú trọng như một trong những yêu cầu của phát triển bền vững. Ảnh: Nhật Nam


Với Hà Nội, nhận thức rõ trách nhiệm phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, những năm qua, UBND thành phố không ngừng nỗ lực cải thiện chỉ số PAPI. Năm 2019, thành phố đã xây dựng Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, trong đó tiếp tục xác định 6 nội dung chính, gồm những nhiệm vụ cụ thể tương ứng với 6 tiêu chí đánh giá của chỉ số PAPI và gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2019 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Trong năm nay, thành phố sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung về chỉ số PAPI đến người dân, tạo môi trường, điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền được biết, được bàn, được tham gia ý kiến, được giám sát, được quyết định đối với các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thành phố sẽ công khai kết quả các chỉ số đánh giá, xếp hạng trong nội bộ thành phố, gồm các chỉ số về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền, chỉ số đánh giá năng lực điều hành…

Thành phố Hà Nội cũng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI tại các địa phương, đơn vị, gắn với kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra công vụ, chú trọng kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra tập trung vào các hạn chế được chỉ ra trong năm 2018. UBND thành phố, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI ở khu vực cấp huyện, cấp xã; phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp trong triển khai thực hiện và giám sát quá trình khảo sát, xác định chỉ số PAPI trên địa bàn...

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, trọng tâm nghiên cứu của PAPI rất sát với sứ mệnh của UNDP là đặt người dân là trung tâm của quá trình phát triển. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, PAPI sẽ tiếp tục là một kênh thông tin để các cấp ghi nhận nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, qua đó tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trên các mặt công tác...

Theo báo cáo PAPI năm 2018, số điểm chênh lệch giữa các địa phương không lớn. 5 địa phương đứng đầu về chỉ số PAPI 2018 là: Bến Tre 47,05 điểm; Lạng Sơn 47,05 điểm; Bắc Giang 46,83 điểm; Nghệ An 46,57 điểm; Quảng Bình 46,27 điểm. 5 địa phương có điểm chỉ số PAPI 2018 thấp nhất là: Bình Định 41,04 điểm; Quảng Ngãi 41,33 điểm; Bình Thuận 41,60 điểm; Hậu Giang 42,06 điểm; Khánh Hòa 42,17 điểm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.