Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2 về Chỉ số cải cách hành chính

Hà Phong| 24/05/2019 19:10

(HNMO) - Chiều 24-5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, chủ trì hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố...


Đại diện thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn dự.

Theo báo cáo, kết quả chỉ số PAR INDEX năm 2018 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả trên 80%, bao gồm 14 bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả trên 70% đến dưới 80%, gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông - Vận tải.

Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, không có địa phương nào đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19,53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29,76%).

Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi đầu bảng xếp hạng với chỉ số đạt 89,06%. 

Với nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như, khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức; đơn giản hóa các thủ tục hành chính các lĩnh vực thiết yếu với đời sống người dân..., Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2, đạt 83,98%. 

Đồng Tháp vươn lên thứ 3 với với 83,71%, tăng 1,80 điểm so với năm 2017. Các vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt thuộc về Đà Nẵng, Hải Phòng. Đây cũng là những đơn vị được Bộ Nội vụ đánh giá là có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính những năm gần đây.

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính, còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của 2 tỉnh: Long An, Ninh Bình.

Trong khi đó, Phú Yên là địa phương xếp cuối bảng với chỉ số đạt 69,53%. 

Nhìn chung, trong năm 2018, người dân, tổ chức tiếp tục đánh giá cao về kết quả cải cách hành chính. Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách cải cách hành chính tại địa phương. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung nằm trong khoảng 69,98% - 97,88% (SIPAS năm 2018).

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng hơn 2%

So với năm 2017, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nói chung trong cả nước năm 2018 tăng hơn 2%. Chỉ số hài lòng về 4 yếu tố thành phần là tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ cũng đều tăng so với năm 2017.

Tuy nhiên, báo cáo SIPAS 2018 cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc cung ứng dịch vụ hành chính công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018. Điển hình là vẫn còn gần 20% số người được hỏi cho biết phải đi lại nhiều lần; đặc biệt, lĩnh vực xây dựng có chỉ số trễ hẹn lên đến 7,10% và lĩnh vực đất đai là 12,3%.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bên cạnh việc biểu dương các bộ, địa phương đạt kết quả cao về cải cách hành chính năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác chỉ đạo, điều hành của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chưa thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính; chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Để khắc phục những tồn tại này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm lại việc thực hiện công tác cải cách hành chính thời gian qua, đề ra các biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém; nhân rộng cách làm mới của những bộ, ngành, địa phương điển hình, tạo động lực, thúc đẩy cải cách.

Song song với đó, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng tính liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thể chế, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường, thể chế về quản lý công chức, viên chức, tổ chức bộ máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội giữ vững vị trí thứ 2 về Chỉ số cải cách hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.