Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng chung dữ liệu: Kết nối để phát triển kinh tế số

Việt Nga| 04/11/2019 10:01

(HNM) - Để xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp đã, đang thúc đẩy chuyển đổi số. Trong đó, dữ liệu được coi là vấn đề cốt lõi, là "chìa khóa" thành công của quá trình chuyển đổi số. Do vậy, việc tạo hành lang pháp lý để khai thác dữ liệu số là cấp bách, không chỉ làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn giúp thực hiện thành công những mục tiêu phát triển...

Chờ hành lang pháp lý

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm qua, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý ngành, lĩnh vực đã, đang được triển khai mạnh. Trong đó, Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (dự kiến năm 2020 hoàn thành). Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp. Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về người nộp thuế (gồm đối tượng cá nhân và doanh nghiệp) và nhiều cơ sở dữ liệu khác. Bộ Giao thông - Vận tải cấp giấy phép lái xe dạng thẻ và xây dựng cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe cá nhân. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai... 

Cơ sở dữ liệu cốt lõi về quản lý dân cư đang được thành phố Hà Nội duy trì qua trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: Bá Hoạt

Tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, thành phố đã duy trì trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế; hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi về quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư (dự kiến hết năm 2019 có đầy đủ cơ sở dữ liệu về 6 nội dung quan trọng là quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư, đất đai, tài chính, thống kê tổng hợp về dân số). Cùng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đã triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp, trung tâm dữ liệu đóng vai trò quan trọng để thành phố thực hiện giải quyết công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến đến các cấp. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu cũng là cơ sở để thành phố triển khai các hạng mục xây dựng thành phố thông minh. Hà Nội đã, đang triển khai bảo đảm đạt 50% số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của thành phố được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu toàn quốc...

Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng khai thác dữ liệu hiện nay, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng chỉ rõ: "Vấn đề kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn khó khăn, bất cập từ cơ sở hạ tầng đến hành lang pháp lý. Tất nhiên do chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu của phát triển kinh tế số, nhưng nếu không kết nối, liên thông và dùng chung thì khó cạnh tranh được với thế giới".

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, sau khi Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, nghiên cứu, xây dựng nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số (tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 13-3-2019), Bộ đã triển khai nhiệm vụ này. Nghị định không chỉ bảo đảm dữ liệu được chia sẻ trong các cơ quan nhà nước để thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, mà còn cần được cung cấp phục vụ sự phát triển chung của toàn xã hội.

Xóa tình trạng "cát cứ" dữ liệu

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu được coi là "dầu mỏ" của nền kinh tế số. Do vậy, việc sử dụng khai thác dữ liệu là cấp thiết và cùng với đó cũng cần hành lang pháp lý cho việc sử dụng nguồn "tài nguyên số" này.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, dự thảo nghị định đã nêu rõ nguyên tắc về cơ chế, thu thập cơ sở dữ liệu minh bạch, rõ ràng và phù hợp thông lệ quốc tế. Trong đó, có các quy định hạn chế thu thập lại cùng một dữ liệu, khắc phục tình trạng hiện nay dù cùng một bộ, ngành, nhưng không sử dụng lại của nhau. Nghị định cũng nhấn mạnh, tăng cường hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân.

Đặc biệt, nghị định cũng nêu rõ khái niệm về "dữ liệu mở" để người dân, doanh nghiệp có thể được sử dụng miễn phí. Thẩm quyền quyết định chia sẻ dữ liệu cũng được quy định rõ theo từng cấp độ.

Ví dụ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chia sẻ những vấn đề lớn, quan trọng; cấp bộ trưởng (chủ tịch UBND tỉnh) quyết định chia sẻ giữa các cơ quan ngang bộ, địa phương... Tuy nhiên, để những quy định này đi vào cuộc sống, nghị định cũng quy định rõ việc điều phối, giải quyết vướng mắc kết nối, chia sẻ dữ liệu, ngoài thẩm quyền trực tiếp của bộ, ngành, địa phương, thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là đơn vị tiếp nhận, giải quyết vướng mắc kết nối, chia sẻ trên toàn quốc.

Trường hợp vượt quá thẩm quyền, Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ... Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số (ngày 24-9-2019). Hiện, Chính phủ đang nghiên cứu, xem xét và dự kiến ban hành trong năm nay.

Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT cho biết, có 2 điểm nhấn quan trọng được tập trung trong chương trình xây dựng chính phủ điện tử giai đoạn mới là "dữ liệu mở" và "chia sẻ dữ liệu". Dữ liệu gồm cả những "dữ liệu chia sẻ" và nếu chia sẻ ra sẽ ảnh hưởng, tác động như thế nào rất cần quy định nhằm bảo vệ những dữ liệu mang tính riêng tư, cá nhân như bệnh án điện tử - nếu không cẩn thận, thông tin đó bị chia sẻ có thể ảnh hưởng đến tính riêng tư của cá nhân và có những sự nhạy cảm trong chia sẻ dữ liệu. "Đó là lý do phải có quy định về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số chính là hành lang pháp lý quan trọng cho "mở dữ liệu" và "chia sẻ dữ liệu"" - ông Nguyễn Thế Trung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dùng chung dữ liệu: Kết nối để phát triển kinh tế số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.