Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới, sáng tạo trên mặt trận tư tưởng

Ngọc Hà| 03/03/2014 06:17

(HNM) - 65 năm xây dựng và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã khẳng định vai trò, vị trí tiên phong trên mặt trận chính trị, tư tưởng của Thủ đô.


Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ khẳng định: "Đảng ta luôn coi công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu; là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ". Với chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên trận địa tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục, ngành tuyên giáo cả nước đã khẳng định được vai trò và có những đóng góp to lớn trong lịch sử".

Trong bề dày 65 năm truyền thống vẻ vang, ngành tuyên giáo Thủ đô đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng. Ảnh: Huy Hùng


Tại Hà Nội, năm 1930, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong. Hoạt động của Đội đã huy động được lực lượng lớn quần chúng ủng hộ phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, mở rộng và phát triển cơ sở cách mạng. Đội tuyên truyền xung phong chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn, nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy (BTGTU) Hà Nội. Kể từ đây, công tác tuyên giáo đã trở thành nhiệm vụ tiên phong, góp phần tạo nên sức sống của phong trào cách mạng tại Hà Nội. Năm 1946, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây được thành lập và bắt đầu có sự gắn bó mật thiết trong hoạt động với Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Mặc dù được nhiều lần tách hợp, đổi tên khác nhau từ khi có tổ chức tiền thân, song BTGTU Hà Nội vẫn liên tục phát triển với nhiều hoạt động phong phú. Có thể kể tới các hoạt động như: Lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí; mở các lớp huấn luyện trong các cuộc vận động "Rèn cán, chỉnh cơ"; tổ chức cho cán bộ học tập lý luận; kiện toàn đội ngũ cán bộ chính trị và quân sự; xây dựng chi bộ tự động công tác… Hoạt động nghiệp vụ ngành tuyên giáo Hà Nội ngày càng trưởng thành với kết quả toàn diện trên các mặt: Tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu và giáo dục lý luận, khoa giáo, văn hóa - văn nghệ; sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng… Từ trong thực tiễn cách mạng của ngành tuyên giáo Hà Nội, tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (cũ), đã tỏa sáng nhiều phong trào thi đua mang dấu ấn riêng như: "Ba sẵn sàng", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Báo công, lập công", "Người tốt, việc tốt"...

Những dấu mốc đáng nhớ

- Năm 1930, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Đội tuyên truyền xung phong gồm các đồng chí Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường. Đây là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy sau này.

- Ngày 16-2-1949, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 10 phân công đồng chí Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Đến ngày 3-3-1949, Thành ủy ra Quyết định số 18-QĐ/TUHN tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ và phân công đồng chí Ngô Ngọc Du, Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn.

- Năm 1965, Ban Tuyên huấn Thành ủy đổi tên thành Ban Tuyên giáo Thành ủy.

- Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 12 (1996-2000) đồng ý lấy ngày 3-3-1949 là Ngày truyền thống của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi cho đồng bào; một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào", những người làm công tác tuyên giáo Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, luôn chủ động đi trước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Thành ủy giao. Truyền thống vẻ vang đó đã được các thế hệ làm công tác tuyên giáo sau này tiếp nối. Từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, BTGTU Hà Nội hợp nhất với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức cơ quan BTGTU Hà Nội đã đoàn kết, nhanh chóng kiện toàn tổ chức và bắt tay ngay vào thực thi nhiệm vụ. Không chỉ làm tốt nhiệm vụ thường xuyên, BTGTU Hà Nội còn chủ động tham mưu cho Thành ủy giải quyết kịp thời việc mới, việc nóng, việc đột xuất. Công tác tuyên giáo đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của Thủ đô Hà Nội sau 5 năm hợp nhất. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận chung trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một phần tạo nên thế và lực mới cho Thủ đô, đúng như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Thủ đô Hà Nội hôm nay đã có thế và lực mới, với sức mạnh được nhân lên không chỉ từ quy mô, tiềm năng, thế mạnh sẵn có; từ những thành tựu đáng tự hào đạt được trong suốt quá trình phấn đấu bền bỉ những năm qua; từ sự giàu có của các giá trị lịch sử, văn hóa; mà cả từ truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, và sự đồng thuận to lớn của nhân dân".

Với những thành tích vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, BTGTU Hà Nội đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2009). Đây là ban đảng cấp tỉnh đầu tiên được nhận phần thưởng cao quý này. Huân chương Hồ Chí Minh là sự ghi nhận của Đảng đối với công tác tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội, cũng như những nỗ lực không ngừng của đội ngũ người làm công tác tuyên giáo Hà Nội qua các thế hệ. Nhưng đây cũng là lời nhắn nhủ, động viên cán bộ, công nhân viên chức BTGTU Hà Nội nói riêng, ngành tuyên giáo Hà Nội nói chung phải phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của mình.

Công tác tuyên giáo ngày nay đối diện rất nhiều thách thức, khó khăn mới. Thử thách trước hết là phải vượt qua chính những hạn chế, yếu kém của ngành. Theo Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Đinh Thế Huynh, một bất cập cần sớm khắc phục đó là công tác tuyên truyền, tư tưởng nhiều khi còn "đi sau". Đồng chí cho rằng, công tác tuyên giáo phải khắc phục triệt để cách làm xơ cứng, giáo điều, thậm chí áp đặt, đề cao tính thuyết phục, kiên trì và thực hiện tốt hơn nữa phương châm công tác tuyên giáo phải đi trước một bước.

Tự đánh giá về những hạn chế, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi từng cho biết: "Công tác tuyên giáo thành phố có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, chạy theo sự kiện, thiếu nhạy bén trước những vấn đề mới nảy sinh. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo từ thành phố đến xã, phường, thị trấn còn nhiều nơi thiếu và yếu, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ". Trong cuộc làm việc với BTGTU mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến đề nghị, ngành tuyên giáo thành phố cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác, phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Phó Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, phải chú ý bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hơn nữa cho đội ngũ người làm công tác tuyên giáo.

Nhiệm vụ, đòi hỏi từ thực tế phát triển đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng, đối với ngành tuyên giáo ngày càng nặng nề. Tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 65 năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm từ khi Hà Nội mở rộng đến nay, BTGTU Hà Nội tiếp tục gặt hái những thành tựu mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Trần Thị Vân Anh:
Bám sát tình hình thực tế, không ngừng đổi mới, sáng tạo

"Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo sát sao, đặc biệt là có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với kinh nghiệm ở địa phương, tôi cho rằng, để công tác tuyên giáo đạt hiệu quả cao, ngoài bám sát tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy thì việc đổi mới, sáng tạo hoạt động trên các mặt, các lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Vì điều kiện, môi trường làm công tác tuyên giáo liên tục biến đổi, không đổi mới, sáng tạo thì không theo kịp được tình hình".

Nhà báo Kiều Thanh Hương, Phó Trưởng ban Quản lý phóng viên thường trú, Phụ trách phóng viên thường trú Hà Nội (Báo Nhân Dân):
Cải thiện hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí

Những người làm báo theo dõi thông tin ở Hà Nội như tôi rất cảm ơn Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa qua rất chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Những vụ việc mới nảy sinh như liên quan công tác quản lý bến xe Mỹ Đình, cải tạo cầu Long Biên, vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đều được Ban Tuyên giáo Thành ủy kết nối kịp thời những thông tin đa dạng cho báo chí. Tuy nhiên, chúng tôi mong không chỉ Ban Tuyên giáo Thành ủy mà các cơ quan thành phố đều chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Có thông tin cho rằng chỉ có khoảng 20-25% cơ quan chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là con số cần được cải thiện.

Nhà báo Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng Phân xã Hà Nội (Thông tấn xã Việt Nam):
Chủ động giải quyết việc nóng, việc mới

Hà Nội là địa bàn rất sôi động với dòng chảy thông tin, dư luận cực kỳ phong phú, đa dạng và phức tạp. Để làm chủ mặt trận tư tưởng - chính trị tại Hà Nội, đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo Thủ đô phải rất năng động. Thời gian qua, theo quan sát của tôi, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã rất năng động, chịu khó đổi mới và theo kịp được tình hình. Một trong những kết quả ấn tượng của công tác tuyên giáo Thủ đô là đã chủ động tham gia giải quyết việc nóng, việc mới. Trong đó, vai trò của các cơ quan báo chí Hà Nội là rất tích cực.

Đồng chí Nguyễn Hoành Khung, Bí thư Chi đoàn Cán bộ nguồn tuyên giáo:
Rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống

Các cô, các chú dạy chúng tôi rằng làm nghề tuyên giáo không dễ. Những trải nghiệm bước đầu cho tôi thấy rằng đúng như vậy. Công tác tuyên giáo đòi hỏi chúng tôi phải học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện thường xuyên trong thực tiễn cuộc sống. Đây là lý do sau khi học xong lớp cán bộ nguồn tuyên giáo, chúng tôi được Thành ủy cho về cơ sở để rèn luyện. Tôi nghĩ rằng, thời gian làm việc ở cơ sở rất quý báu, nên sẽ cố gắng để có thêm kinh nghiệm cho công tác.

Quốc Bìnhghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, sáng tạo trên mặt trận tư tưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.