Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi nguyên tắc làm việc trong xây dựng, thẩm tra dự luật

Hà Phong| 16/04/2018 18:45

(HNMO) - Chiều 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận về điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật năm 2018 và chương trình xây dựng pháp luật năm 2019.

Ảnh: Quochoi.vn


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Tình trạng nợ đọng văn bản dần được khắc phục. Tuy nhiên, hiện tượng dự thảo luật chưa được chuẩn bị kỹ, xin lùi, rút, bổ sung vào chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên. Cụ thể, năm 2017 bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi chương trình 3 dự án, 2 dự án được thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án (trong đó có 6 dự án liên quan đến Luật Quy hoạch).

Đặt câu hỏi vì sao những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật nêu trên đã xảy ra nhiều năm nhưng vẫn không khắc phục được, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, một phần nguyên nhân là do kỷ luật không nghiêm, chất lượng cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật hạn chế. Bà Lê Thị Nga và Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, cần đầu tư chất xám, thay đổi nguyên tắc làm việc trong xây dựng, thẩm tra luật, không để tình trạng này tiếp diễn.

* Trước đó, sáng cùng ngày, UBTVQH thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Luật được ban soạn thảo đề nghị tên gọi mới cụ thể hơn là "Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí chủ trương ban hành luật. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cơ chế phân định trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực đã được thể hiện rõ trong dự thảo luật.

Liên quan đến các ưu đãi về đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải rà soát lại để bảo đảm đã là ưu đãi thì doanh nghiệp đầu tư trong nước cũng được hưởng như nhà đầu tư nước ngoài, không có sự phân biệt. Vấn đề thu hút đầu tư không có nghĩa là Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. Việc thành lập 3 đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng, tạo ra 3 vùng động lực, 3 đầu tàu kinh tế, chứ không phải tạo thêm gánh nặng cho ngân sách. Bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá, tổng kết, lại không thu được gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi nguyên tắc làm việc trong xây dựng, thẩm tra dự luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.