Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật An ninh mạng: Cần thiết và phù hợp xu thế

Phong Thu| 11/06/2018 16:59

(HNMO) - Qua Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cùng các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV cho thấy, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới.


Dự án luật rõ ràng, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật


Dự thảo Luật An ninh mạng trình tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV lần này đã có sự chỉnh lý, tiếp thu nhiều nội dung so với dự án luật trình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Cụ thể là đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh và khái niệm an ninh mạng cho rõ hơn để phân biệt với phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng và khái niệm an toàn thông tin mạng, đồng thời lược bỏ những nội dung về an toàn thông tin mạng trong dự thảo luật này.

Dự thảo Luật An ninh mạng cũng đã cụ thể hóa những nội dung có liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, như biện pháp bảo vệ an ninh mạng tại Điều 5 và thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng tại các điều luật cụ thể thuộc Chương II và Chương III dự thảo luật đã chỉnh lý. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo rà soát các nội dung cụ thể trong dự thảo luật để chỉnh lý bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật; bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế và các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các hiệp định cơ bản của WTO).

Ngay từ tên gọi “Luật An ninh mạng” được cho là ngắn gọn, bao quát và thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Trong đó, các biện pháp bảo vệ an ninh mạng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Cụ thể, tại Điều 5 về Biện pháp bảo vệ an ninh mạng có 13 khoản, trong đó có một số khoản ghi rõ: “Yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, “Thu thập dữ liệu điện tử liên quan tới hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng”…

Tại Điều 8 của dự án Luật An ninh mạng về “Các hành vi bị nghiêm cấm” cũng đã quy định khá rõ ràng, đầy đủ, logic và dễ hiểu. Trong đó, có các khoản cấm: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội…

Dự án luật cũng cho thấy đã có sự cân nhắc các quy định về thẩm quyền thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng của Bộ Công an (Điều 10, 12, 13). Bên cạnh đó, dự án Luật An ninh mạng cũng quy định về nhiều nội dung quan trọng như: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (Điều 30); phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng (Chương III); triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng (Chương IV); bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng (Chương V)...

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Dự án Luật An ninh mạng là một trong những dự thảo luật thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Ngay tại phiên thảo luận về nội dung này (ngày 29-5) nhiều đại biểu đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: “Bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo vệ sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, đó là nghĩa vụ quan trọng hàng đầu. Chính vì thế, việc ra đời thêm dự án Luật An ninh mạng là một điều tất yếu để cùng với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của chúng ta bảo vệ mục đích nêu trên”. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết, hoàn toàn nhất trí những quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) cho rằng: “Những sự kiện trong thời gian qua liên quan đến an ninh mạng không chỉ gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước và lợi ích quốc gia. Thực tế diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vì vậy cùng với quá trình hội nhập quốc tế phát triển công nghệ thông tin, tôi đồng tình cao với việc thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ năm nhằm phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng”.

Đồng quan điểm về việc cần thiết ban hành Luật An ninh mạng, Trung tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an (Đoàn Hải Dương) cho biết, trong thời gian rất ngắn đã có đến 15.000 cuộc tấn công mạng đối với hệ thống mạng của nước ta. Nhưng việc xử lý của chúng ta cũng rất bị động, lúng túng và hiệu quả không cao. Vì ta chưa có một hành lang pháp lý quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đại biểu cũng khẳng định, qua nghiên cứu cho thấy, không có sự trùng lặp giữa Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng, bởi Luật An toàn thông tin mạng tập trung bảo đảm ba thuộc tính của thông tin mạng bao gồm: Tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng tập trung bảo đảm an ninh, an toàn cho: An ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng...

Dự thảo Luật An ninh mạng cũng quy định rõ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ra sao và hành vi nào là hành vi bị cấm trên không gian mạng. Đó chính là cơ sở pháp lý để tổ chức các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng…

Trao đổi về một số nội dung còn có ý kiến băn khoăn về các khoản 1, 2, 3, 4 tại Điều 15 về “Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) nêu quan điểm: Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định. Nếu những tài liệu này liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giám định, liên quan đến Sở Thông tin và Truyền thông thì sở giám định và trả lời bằng văn bản. Trên cơ sở giám định ấy chúng ta có thể kết luận được những tài liệu nào phải được quy định trong Điều 15.

Tiếp thu giải trình các ý kiến còn băn khoăn về quy định tại Điều 26 là lưu giữ dữ liệu trên đất nước Việt Nam và đặt trụ sở tại đất nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, không vi phạm vào hiệp định thế giới; đồng thời khẳng định, an ninh mạng, không gian mạng trong thời gian vừa qua và sắp tới rất phức tạp và ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng ở Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề hết sức quan trọng và kẻ địch đang lợi dụng việc này để chống phá ta thì không có lý do gì mà chúng ta lại buông lỏng. Trong luật cũng quy định rất rõ các doanh nghiệp và dữ liệu này chỉ liên quan đến quốc phòng, liên quan đến an ninh, chứ không phải tất cả, những việc này phục vụ thiết thực cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật An ninh mạng: Cần thiết và phù hợp xu thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.